Tay vợt khiếm thính lần đầu tiên thắng trong trận đấu của giải quần vợt ATP
Tay vợt người Hàn Quốc Lee Duck-hee đã trở thành tay vợt khiếm thính đầu tiên thắng ở một trận đấu chính thức thuộc hệ thống giải quần vợt nam chuyên nghiệp ATP sau chiến thắng ở vòng 1 giải Winston-Salem mở rộng.
Làm nên lịch sử
Lee Duck-hee đã vượt qua tay vợt Henri Laaksonen sau 2 séc với các tỷ số 7 - 6, 6 - 1 ở giải đấu diễn ra trên mặt sân cứng nước Mỹ. Tay vợt 21 tuổi có được tổng cộng 9 pha giao bóng ăn điểm trực tiếp (ace) trong trận đấu muộn do trời mưa.
Bị điếc hoàn toàn từ khi 2 tuổi, Lee Duck-hee không thể nghe tiếng trọng tài biên hay trọng tài chính mà chỉ có thể xem các trọng tài ra dấu để hiểu được quyết định của trọng tài đưa ra.
Sau chiến thắng đầu tiên ở một giải chính trong sự nghiệp, Lee Duck-hee tâm sự: “Mọi người thường trêu đùa tôi vì bị chứng điếc. Họ cũng nói tôi không thể thi đấu quần vợt. Mọi thứ tưởng như thật khó khăn, nhưng tôi còn có những người bạn, có gia đình giúp tôi vượt qua".
"Tôi muốn chứng tỏ cho mọi người thấy người khuyết tật có thể làm gì. Những người khiếm thính như tôi đừng nản lòng. Nếu bạn nỗ lực, bạn có thể làm được tất cả”, Lee Duck-hee cho hay.
Ở vòng 2 của giải đấu, Lee Duck-hee sẽ gặp hạt giống số 3 của giải đấu Hubert Hurkacz.
Làng quần vợt ngả mũ
Lee Duck-hee bắt đầu thi đấu tại hệ thống thi đấu ATP Challenger Tour năm 14 tuổi và duy trì thi đấu ở hệ thống này suốt 4 năm trước khi đủ điểm để chuyển lên thi đấu ở ATP World Tour.
Lần lượt ở hệ thống thi đấu ITF Futures, Lee Duck-hee thi đấu 36 giải, vào tới chung kết 7 giải và vô địch 5 giải. Chuyển sang ATP Challenger Tour, anh thi đấu 6 giải đấu và chỉ để thua ở 1 giải.
Anh trở thành tay vợt trẻ nhất từng lọt vào Top 300 của bảng xếp hạng quần vợt nam chuyên nghiệp thế giới ATP Ranking.
Năm 2013, Rafael Nadal từng đăng một tweet khen ngợi tay vợt người Hàn Quốc. Ở thời điểm đó, Duck Hee-Lee mới 15 tuổi. Với con mắt của một tay vợt kỳ cựu, có lẽ Nadal đã sớm nhìn nhận khả năng của Duck Hee-Lee. Anh ngợi khen tay vợt trẻ là “đi đúng hướng với ý chí thép và tâm lý vững vàng”.
Thế nhưng phải đến năm 2015, Duck Hee-Lee mới lọt vào đến vòng 3 Wimbledon ở nội dung đơn nam dành cho thiếu niên.
Câu chuyện về Duck Hee-Lee trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi người. Ngay cả với các tay vợt không có khiếm khuyết cũng khó lòng vượt qua nổi hệ thống xếp hạng thấp nhất của quần vợt chuyển nghiệp ITF chứ đừng nói là bước qua hệ thống thi đấu chuyên nghiệp ATP.
Duck Hee-Lee cần có một người phiên dịch giúp anh hiểu những câu hỏi của phóng viên trong các buổi họp báo, nhưng theo anh việc anh khiếm thính thậm chí còn là lợi thế của anh so với các tay vợt đối thủ. Anh sẽ không phải nghe tiếng ồn trên các khán đài, từ đối thủ mà chỉ tập trung cho từng đường bóng.
Đã từng có thời điểm ở khởi đầu sự nghiệp của anh, chính các trọng tài đã phải rất lúng túng trước những nhầm lẫn nho nhỏ trong mỗi trận đấu, khi Duck Hee-Lee không rõ là điểm của game đấu hay tỷ số hòa. Trọng tài không hiểu ý của tay vợt trẻ trong khi anh không hiểu rõ ý trọng tài. Các cổ động viên xôn xao và Duck Hee-Lee đã phải giấu nước mắt sau chiếc khăn.
Chiến thắng đầu tiên tại ATP World Tour, dù là ở giải đấu ATP 250 cũng đủ để mở ra chặng đường mới cho tay vợt khiếm thính - có nỗ lực là sẽ có thành công.