Chọn khu vực
Miền Bắc
Hotline Đặt hàng: 0931.38.5252
Hotline CSKH: 0934.8989.38

Sport House

Cách chọn vợt tennis cho người mới chơi

Cập nhật : 17:25 - 15/06/2017

Hướng dẫn chọn mua vợt và cách cầm vợt tennis.

Các thông số cần nhớ khi đi chọn vợt tennis:
1.      Kích thước đầu vợt
2.      Độ dài vợt
3.      Cân nặng và độ cân bằng
4.      Độ cứng của khung vợt
5.      Kiểu căng dây

1. Kích thước đầu vợt 

Lực đánh liên quan mật thiết đến kích cỡ đầu vợt, một cây vợt có đầu vợt lớn hơn sẽ tạo ra nhiều lực hơn so với cây vợt có đầu vợt nhỏ hơn nếu các đặc điểm khác nhau. Không những thế, đầu vợt lớn hơn còn có nghĩa là khu vực đánh bóng và khu vực đánh chuẩn (sweetspot) lớn hơn, giúp cho người chơi có thể đánh bóng ở những điểm lệch tâm của mặt vợt (bóng vẫn có thể qua lưới nhưng không mạnh). Hiện nay trên thị trường các loại vợt có kích cỡ đầu vợt rất đa dạng, dao động từ 85 đến 135 inch vuông, nhưng chủ yếu là trong khoảng từ 95 đến 110. Kích cỡ như vậy tạo ra sự kết hợp giữa lực đánh và khả năng kiểm soát cho người chơi. Nói chung, vợt có đầu vợt nhỏ là dành cho các tay vợt giỏi muốn tăng độ kiểm soát bóng, trong khi đầu vợt to thường dành cho những ai mới tập hoặc đánh tương đối muốn có trợ lực và điểm đánh chuẩn lớn hơn.

2. Độ dài vợt 

Vợt có độ dài nằm trong khoảng từ 27 đến 29 inch, tương đương 68.6 đến 73.7 cm, cũng là giới hạn theo luật của các giải đấu. Các vợt tiêu chuẩn có độ dài là 68.6 cm. Vợt dài hơn như vậy sẽ kéo dài tầm với trong các cú đánh cuối sân, tăng thêm đòn bẩy trong các cú giao bóng và thêm một chút lực đánh. Đối với hầu hết các tay vợt, tăng độ dài vợt thêm 1,3 đến 2,54 cm thì không thành vấn đề. Hầu hết (nhưng không phải tất cả) các vợt dài hơn thường nhẹ hơn vợt tiêu chuẩn để duy trì độ kiểm soát. Lý do là vì khi độ dài vợt tăng lên, thì sức nặng khi vung vợt (swingweight) cũng tăng theo. Vợt có chiều dài tiêu chuẩn sẽ dễ dàng điều khiển trên sân hơn trong khi cây vợt được tăng thêm về chiều dài thì cho nhiều khả năng trợ lực và độ với cao hơn.

3. Cân nặng và độ cân bằng

 

Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến cảm giác của người chơi khi cầm vợt lên và khi vung vợt trên sân.

Hãy lưu ý một số kiến thức cơ bản:

Một cây vợt nặng sẽ mạnh hơn, ổn định hơn và giảm chấn nhiều hơn 1 cây vợt nhẹ hơn (nếu các yếu tố khác như nhau)

Một cây vợt nhẹ hơn sẽ tăng khả năng kiểm soát và người chơi sẽ có thể vung nó nhanh hơn.

Câu hỏi ở đây là nhẹ hơn có tốt hơn không? Câu trả lời là không hẳn. Vậy thì, trọng lượng vợt như thế nào sẽ phù hợp với bạn? Còn độ cân bằng của vợt thì sao? Đầu vợt nhẹ, đầu vợt nặng hay cân bằng thì tốt nhất? Để trả lời các câu hỏi này, bạn cần điểm đối chiếu. Cây vợt hiện tại của bạn nặng bao nhiêu? Đầu vợt nhẹ hay nặng? Nặng bao nhiêu? Các thông số này các bạn có thể xem ngay trên than vợt hoặc vào trang web của nhà sản xuất sẽ có đầy đủ.

Tiếp theo, bạn muốn dùng một cây vợt nhẹ hơn, nặng hơn hay trung bình? Đầu vợt nhẹ, nặng hay cân bằng? Thường thì bạn không biết những điều này cho đến khi bạn chơi thử một cây vợt nào đó như thế. Đừng lo, bạn sẽ được biết một số hướng dẫn về điểm mạnh và yếu liên quan đến trọng lượng và độ cân bằng của vợt.

Các cây vợt nặng hơn và có đầu vợt nhẹ: thường được các tay vợt chuyên nghiệp sử dụng và thường được gọi là các cây vợt “cân bằng và có trọng lượng cổ điển”. Chúng thường có trọng lượng từ 311 – 367 g và đầu vợt nhẹ với điểm cân bằng của vợt cách điểm giữa của vợt khoảng 1,27 đến 3,81 cm về phía đầu vợt để giữ khả năng kiểm soát. Thường thì các cây vợt kiểu này thường được gọi là vợt “tuyển thủ” vì chúng thường hướng đến tăng sự kiểm soát và dành cho các tay vợt muốn dùng sức của bản thân để đánh bóng (không có trợ lực từ vợt).

Các cây vợt nhẹ và có đầu vợt nặng: Nhiều năm trước, Wilson đã phát hiện ra rằng họ có khả năng tạo ra một cây vợt có khả năng kiếm soát cao hơn mà không phải trọng lượng đầu vợt. Bằng cách giảm trọng lượng cán vợt, cây vợt đã nhẹ đi về tổng thể trong khi vẫn giữ phần lớn trọng lượng ở phía đầu vợt, là nơi tiếp xúc bóng. Đây chính là điểm cốt lõi của công nghệ Hammer và Sledge Hammer của họ. Một số nhà sản xuất khác cũng đi theo con đường này và giới thiệu các cây vợt nhẹ và có đầu vợt nặng (thậm chí cân bằng, trọng lượng phân bố đều).

Ưu điểm của loại vợt này là tăng khả năng kiếm soát mà không phải hi sinh sức mạnh, đặc biệt là các quả đánh đôi công cuối sân.

Nhược điểm thì vẫn còn đang tranh cãi – một số “chuyên gia” cho rằng giảm trọng lượng vợt sẽ tăng sự chấn động truyền đến cố tay, khuỷu tay và vai. Một số tay vợt sau khi chuyển từ vợt “tuyển thủ” sang loại vợt này kêu ca là cảm thấy vợt không đầm tay (chắc chắn). Rõ ràng, bạn không thể có được mọi thứ. Giảm trọng lượng vợt sẽ thay đổi cảm giác (kém đi hoặc tốt hơn). Hãy nhớ rằng, bạn luôn có thể thêm trọng lượng cho cây vợt nếu nó quá nhẹ, còn ngược lại giảm trọng lượng lại là điều gần như không thể.

4. Độ cứng của khung vợt

Mức độ uốn cong của khung khi tiếp xúc bóng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh tiềm ẩn của nó. Một cây vợt cứng hơn sẽ uốn cong ít hơn, do đó sẽ làm mất đi ít sức mạnh hơn từ trái bóng. Một cây vợt mềm hơn sẽ uốn cong nhiều hơn, tức là sẽ làm mất mát nhiều sức mạnh hơn.

Một quan niệm sai lầm thường gặp ở các tay vợt là một cây vợt mềm hơn (uốn cong về phía sau nhiều hơn) sẽ truyền lực nhiều hơn cho trái bóng do hiệu ứng máy bắn đá. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng thời gian trái bóng nằm trên lưới chỉ khoảng 3 – 5 ms, ngắn hơn rất nhiều so với thời gian hồi phục trạng thái của khung vợt. Do đó, khung vợt sẽ chẳng thế “trả lại” lực cho trái bóng, mà nó sẽ hấp thụ bớt lực – nhiều hay ít còn phụ thuộc vào độ cứng của khung vợt đó. Vợt cứng hơn sẽ không rút bớt nhiều lực từ trái bóng, dẫn đến ít lực bị mất mát hơn so với vợt mềm hơn.

Độ cứng của khung vợt không chỉ ảnh hưởng đến lực của bóng. Sự kiểm soát cũng như sự thoải mái cũng bị ảnh hưởng. Nói chung, một cây vợt tạo ra nhiều lực hơn sẽ giảm đi sự kiểm soát. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào khả năng và trình độ của tay vợt. một tay vợt trình độ cao có thể thích một cây vợt mềm hơn vì họ có cú vung vợt dài và nhanh hơn, nghĩa là sẽ tạo ra nhiều lực hơn. Một cây vợt cứng có thể sẽ quá mạnh cho tay vợt này, dẫn đến là sẽ rất nhiều bóng sẽ bay ra ngoài. Một tay vợt mới tập tọe hoặc chơi bình thường có thể thấy một cây vợt cứng sẽ dễ kiểm soát hơn. Điều này cũng đúng cho một tay vợt trình cao hơn nhưng lại có cú vung vợt gọn và ngắn hơn.

Chốt lại, các cây vợt cứng hơn thường không thoải mái bằng các cây vợt mềm hơn. Một cây vợt rất cứng sẽ truyền nhiều chấn động hơn đến cổ tay, khuỷu tay và vai hơn một cây vợt có độ cứng vừa phải. Sự thoải mái là một yếu tố rất khó đong đếm – mỗi cây vợt sẽ có cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, các tay vợt có các vấn đề về tay và/hoặc vai sẽ phù hợp với một cây vợt mềm hoặc cứng vừa phải và nên tránh sử dụng vợt cứng hoặc rất cứng. Một tác động ít người biết của độ cứng vợt là độ xoáy được tạo ra. Nói chung, vợt cứng hơn sẽ tạo ra độ xoáy kém hơn so với vợt mềm vì bóng rời khỏi mặt vợt nhanh hơn.

5. Kiểu căng dây tennis

Đây là một yếu tố thường ít được chú ý bởi các tay vợt nghiệp dư chỉ coi tennis là thú vui giải trí. Tuy nhiên, kiểu căng dây ảnh hưởng rất lớn đến sức mạnh tổng thể và cảm giác của một cây vợt. Khi nói đến kiểu căng dây là nói đến thoáng (open) và khít (dense) (hoặc đóng).

Kiểu căng dây thoáng sẽ võng xuống nhiều hơn so với kiểu căng dây khít hơn khi tiếp xúc bóng, do đó làm tăng lực đàn hồi của bóng. Ở cùng một độ căng (với cùng loại vợt), kiểu căng dây thoáng sẽ không mang lại cảm giác “chặt” như kiểu căng dây khít. Kiểu căng dây này cũng có khả năng tạo ra nhiều lực xoáy hơn vì bóng đè lên lưới nhiều hơn do khoảng cách giữa các dây vợt rộng hơn.

Các tay vợt thích đánh bóng xoáy sẽ có lợi khi căng dây thoáng hơn nhưng cái giá phải trả là độ bền dây sẽ giảm. Kiểu căng dây thoáng làm cho dây có thể xô thoải mái hơn, làm tăng ma sát và dễ làm đứt dây.

Kiểu căng dây khít hơn sẽ ít võng xuống khi tiếp xúc bóng, dẫn đến ít lực đàn hồi hơn. Căng dây khít hơn cũng đồng nghĩa với ít xoáy hơn nhưng dây lâu đứt hơn (so với căng dây thoáng hơn trên cùng một vợt).

Các tay vợt đánh bóng ít xoáy và muốn tăng sự kiểm soát sẽ thường thích căng dây kiểu này. Ngoài ra các tay vợt đánh bóng cực xoáy cũng căng dây kiểu này để đỡ phải thay dây nhiều (đỡ xót tiền).

7. Kết luận

Những kiến thức trên đây là những điều tham khảo quý báu trong quá trình chọn cây vợt phù hợp với bạn. Hãy đọc kỹ những điều này và nên áp dụng với các cây vợt cũ trước như một cách để thử vợt và bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Điều quan trọng là bạn sẽ tìm được một cây vợt vừa ý, vừa với khả năng, trình độ và sức lực của bạn. Bạn có thể cân nhắc sở hữu nhiều hơn một cây vợt, để phù hợp với từng thời điểm (sung sức hoặc đã thấm mệt).

Các cách cầm vợt tennis và những điều cần lưu ý

Bài viết này sẽ nói về các cách cầm vợt tennis và những điều cần lưu ý (rất quan trọng). Bởi vì cách cầm vợt tennis gần như sẽ đi theo một tay vợt mãi mãi.

Mỗi kiểu cầm vợt sẽ phù hợp với các cú đánh khác nhau và tùy thuộc các tay vợt. Các bạn nên chọn kiểu cầm nào thuận tiện và phù hợp với mình. Các tiêu chí để chọn lựa thì rất nhiều, trong đó có một sô tiêu chí chính:

- Đặc điểm bàn tay: To hay nhỏ, do đó hãy chọn cách cầm vợt sao cho chắc chắn

- Lối chơi: tấn công hay phòng thủ, lên lưới hay đánh cuối sân

- Sức khỏe: Ví dụ: Nếu cổ tay khỏe thì có thể cầm vợt kiểu nào đánh bóng có độ xoáy lớn

Ngoài ra tất cả các kiểu cầm đều có 2 yêu cầu chung sau:

- Không cầm vợt quá chặt

- Khi cầm vợt nếu thấy đầu móng tay xuất hiện viền màu trắng tức là bạn đang cầm quá chặt.

- Phải có khoảng cách nhất định giữa ngón trỏ và 3 ngón tay còn lại

Khoảng cách tốt nhất là bạn có thể đặt vừa ngón tay trỏ của bàn tay kia vào đó.

Bạn cũng phải chọn vợt có cán với kích cỡ và độ dài phù hợp với lòng bàn tay. Nếu không, dù có cầm vợt kiểu gì đi nữa, bạn không thể cầm chắc vợt và không thể đánh hiệu quả.

Phần bài viết dưới đây sẽ minh họa các cách cầm vợt:

Cách đánh số trên nắp cán vợt và vị trí những kiểu cầm vợt

Quy ước: Lấy điểm cuối ngón tay trỏ làm chuẩn để đặt tay cầm vợt đúng các số trong các cú đánh khác nhau.

Dấu đỏ được lấy làm điểm chuẩn

1. Kiểu cầm vợt Continental – Cầm số 2:

Thuận tay kiểu Continential

Tại sao lại bắt đầu từ số 2 mà không phải là số 1, vì cách cầm Continental được sử dụng nhiều nhất trong các cú quả bao gồm:

- Giao bóng (serve)

- Vô lê (volley)

- Đánh quả trái (backhand)

2. Kiểu cầm vợt Eastern – Cầm số 1 cho cú trái tay (Eastern backhand) và số 3 cho cú thuận tay (Eastern forehand):

Federer dùng kiểu Eastern (Modified Eastern) cho cú trái tay

Eastern backhand 1 tay như Federer

Nếu ai đó muốn có cú đánh trái bằng một tay như Roger Federer thì hãy cầm vợt ở số 1 khi thực hiện cú trái. Nhưng hãy nhớ đó mới chỉ là cách cầm vợt, còn để thực hiện một cú đánh chuẩn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật mà hạ hồi sẽ phân giải!

Trái tay hai tay

 3. Kiểu cầm vợt Western – Cầm số 4:

Thuận tay kiểu Western

 Nadal dùng kiểu cầm vợt này cho cú thuận tay(forehand)

Chắc chắn nếu lần đầu cầm vợt mà đã bập vào số 4 thì người chơi sẽ thấy đây là thế cầm rất sâu và cảm giác khó có thể thực hiện cú đánh. Quả thực đây là kiểu cầm vợt không dành nhiều cho dân phong trào và chơi để biết. Nhưng nếu ai hâm mộ Rafael Nadal với những cú đánh có độ xoáy siêu hạng thì hãy cố công học những tuyệt chiêu bằng cách cầm vợt số 4.

Thực tế cầm vợt số 4 lại rất thích hợp với những người có tầm vóc nhỏ bé như người Việt Nam và cực ổn khi đánh trả những trái bóng nảy cao. Nhưng tất nhiên khá ít ông thầy dạy tennis khuyên chúng ta nên chọn cầm vợt số 4 vì điều kiện sân bãi ở Việt Nam gần như toàn là sân cứng (hay sân xi măng) nên bóng nảy ở tầm vừa phải và hợp lý hơn nếu cầm vợt số 3.

4. Kiểu cầm vợt Semi-Western – Cầm giữa số 3 và 4:

 Thuận tay kiểu Semi-Western

 Semi-Western cho người thuận tay trái và phải

Nếu một người có cảm giác vợt tốt hoàn toàn có thể cầm “nửa nạc nửa mở” ở số 3,5 để tận dụng ưu điểm của cả kiểu cầm số 3 và số 4. Cựu tay vợt người Nga Marat Safin từng làm mưa làm gió với kiểu cầm vợt này và sẽ là tuyệt đỉnh nếu có ai đó có thể mô phỏng tay vợt từng vô địch Úc mở rộng 2005 và Mỹ mở rộng 2000.

 Chú ý: Đây là những cách cầm vợt cho người thuận tay phải, với những người thuận tay trái thì có thể đánh số ngược chiều kim đồng hồ và cầm theo số y như vậy.

Tổng hợp

Bình luận

Hỗ trợ trực tuyến
Đăng ký nhận tin khuyến mại

Quét QR CODE và liên hệ qua Zalo để không bỏ lỡ các chương trình khuyến mại giảm giá hấp dẫn.!