Những lùm xùm khiến Novak Djokovic 'mất điểm'
Khi Djokovic gặp Federer trong trận chung kết Wimbledon 2019, cuộc đối đầu kinh điển diễn ra trong tiếng la ó khó chịu của khán giả đối với tay vợt người Serbia. (VNEXPRESS)
Những pha bóng hỏng của Djokovic được cổ vũ nhiệt tình và những lời chế giễu liên tục xuất hiện. Nhưng chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về anh và các chuyên gia kêu gọi người hâm mộ có thái độ tôn trọng hơn đối với một tay vợt tuyệt vời.
Thật khó để biết chính xác tại sao Djokovic không được yêu mến ngang tầm Federer hay Nadal, dù là một trong những tay vợt vĩ đại của môn thể thao này.
"Bạn không thể khiến mọi người yêu mến bạn và tình huống này cũng có chút giống như vậy", cựu huấn luyện viên Boris Becker cho hay. "Cậu ấy là một vận động viên trẻ giỏi và có nhân cách tốt, nhưng có cái nhìn khác biệt về cuộc sống. Cậu ấy có quan điểm khác biệt về cách ăn uống và ngủ nghỉ, đó là những điều bạn không thể chỉ trích. Có lẽ đó là lý do cậu ấy rất thành công, nhưng không được mọi người hâm mộ. Tôi hiểu điều đó".
Novak Djokovic lớn lên với những quả bom của NATO dội xuống Serbia và sau đó trở thành một trong những vận động viên quần vợt giỏi nhất mọi thời đại. Tay vợt 34 tuổi đã giành 20 chức vô địch Grand Slam, san bằng kỷ lục của các kình địch Roger Federer và Rafael Nadal.
Tuy nhiên, thành tựu đáng kinh ngạc trên sân đấu của anh thường bị lu mờ bởi những lùm xùm không đáng có. Lùm xùm mới nhất liên quan tới việc từ chối tiêm vaccine Covid-19 đã lên tới đỉnh điểm vào ngày 14/1, khi Australia lần thứ hai hủy thị thực của Djokovic ngay trước giải Australia Mở rộng 2022 ba ngày.
Đương kim vô địch kiêm tay vợt số một thế giới Djokovic bay tới Melbourne tuần trước với giấy miễn trừ tiêm chủng vì từng nhiễm virus hồi tháng 12/2021. Giấy miễn trừ tiêm chủng của Djokovic lập tức gây ra làn sóng phẫn nộ ở Australia, khi những người dân ở đây đã phải chịu đựng các biện pháp phong tỏa và hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt suốt hai năm qua.
Ngày 6/1, thị thực của Djokovic bị hủy và anh được đưa tới một trung tâm nhập cư, trước khi tòa án lật ngược quyết định vào ngày 10/1. Nhưng giờ Djokovic giờ lại đối mặt nguy cơ bị trục xuất và không thể tham dự giải đấu sau khi chính phủ Australia ngày 14/1 hủy thị thực lần hai.
Từ trước khi lùm xùm mới nhất xuất hiện, Djokovic đã là cái tên gây nhiều tranh cãi.
Djokovic nhiều lần bị đồng nghiệp cáo buộc phóng đại chấn thương, gồm cả ở giải đấu Australia Mở rộng năm ngoái, khi Taylor Fritz nói rằng tay vợt người Serbia có lẽ đã bỏ trận đấu nếu như bụng anh ta thực sự gặp vấn đề nghiêm trọng.
Tay vợt người Australia Nick Kyrgios từng chê Djokovic quá cố gắng để được yêu thích, nói rằng những cử chỉ thể hiện tình cảm với người hâm mộ của Djokovic mỗi khi chiến thắng khiến anh "sởn gai ốc".
Djokovic cũng từng mất điểm trước công chúng với những phút nóng giận trên sân đấu. Một trong những vụ nổi tiếng nhất là tại giải Mỹ Mở rộng năm 2020, khi anh đánh trúng bóng vào cổ họng một nữ trọng tài biên.
Những lời phàn nàn của Djokovic đối với trọng tài và những đứa trẻ nhặt bóng trong những năm qua cũng trái ngược với thái độ bình tĩnh của các đối thủ như Federer và Nadal. Điều đó khiến nhiều người thường chỉ trích anh là "kiêu ngạo".
Djokovic đã bị chỉ trích rất nhiều hồi đầu đại dịch Covid-19 khi là một trong số những tay vợt bị nhiễm nCoV tại giải đấu từ thiện Adria Tour do anh tổ chức, nơi các tay vợt không phải tuân thủ giãn cách xã hội và thoải mái ôm nhau chào hỏi.
Dù các quy tắc phong tỏa ở Croatia đã được nới lỏng vào thời điểm đó, vaccine vẫn chưa xuất hiện. Tay vợt người Anh Dan Evans chỉ trích việc tổ chức giải đấu, trong khi tay vợt người Australia Nick Kyrgios mô tả đó là "quyết định thiếu suy nghĩ".
Djokovic sau đó lên tiếng xin lỗi vì đã vội vàng tổ chức sự kiện này, nhưng thêm rằng nó chỉ xuất phát từ một ý định tốt.
Một năm trước, tay vợt Serbia một lần nữa gây thất vọng khi yêu cầu giám đốc giải Australia Mở rộng Craig Tiley nới lỏng các quy tắc kiểm dịch, gồm giảm thời gian cách ly và cho phép các tay vợt được cách ly tại những căn nhà riêng có sân quần vợt. Djokovic giải thích lá thư của anh chỉ mang "ý định tốt", nhưng đã bị "hiểu sai là ích kỷ, khó tính và không biết điều".
Quan điểm không tiêm chủng của Djokovic khiến anh bị đặt biệt danh là "Novax". "Tôi phải nhắc cho mọi người nhớ rằng Djokovic đã có thể tránh được tất cả lùm xùm ở Australia bằng cách đơn giản là tiêm vaccine giống như hơn 97% vận động viên tennis", Ben Rothenberg, ký giả nổi tiếng chuyên đưa tin về quần vợt viết trên Twitter.
Nhà báo Serbia Sasa Ozmo nói rằng Djokovic đã bị "đối xử không công bằng" trong những năm qua nhưng cũng thừa nhận anh thường phạm những sai lầm làm dấy lên làn sóng chỉ trích.
Nhiều người cho rằng không thể phủ nhận những thành công đáng nể của tay vợt người Serbia và nhiều hành động có ý nghĩa của anh, như tổ chức giải đấu vì mục đích từ thiện hay thành lập Quỹ Novak Djokovic để giúp đào tạo giáo viên ở quê hương và mang cơ hội học tập đến với trẻ em nghèo.
"Nhưng đôi khi những điều tích cực mà anh ấy làm không được nhắc tới thường xuyên", Sasa Ozmo nói.
Thanh Tâm (Theo AFP, BBC)