Djokovic - kẻ thống trị cuộc chơi tâm lý
Novak Djokovic bỏ vào phòng thay đồ sau khi thua hai set đầu, rồi trở lại sân và cuốn phăng Stefanos Tsitsipas trong trận chung kết Roland Garros 2021.
Sau khi chứng kiến trận thắng lịch sử của Novak Djokovic ở sân Philippe Chatrier hôm 13/6, cựu số một thế giới Andy Roddick viết trên Twitter: "Nole đàn áp đối thủ bằng thể lực và tinh thần. Cậu ấy là cỗ máy toàn diện nhất trên sân quần vợt. Bạn không thể tấn công, không thể phá vỡ ý chí và niềm tin của Nole".
Djokovic để thua Stefanos Tsitsipas hai set đầu, gồm loạt tie-break trong set thứ nhất. Trong những game cuối set hai, anh gần như buông tay mỗi khi đàn em giao bóng một thành công. Set này chỉ diễn ra trong 35 phút, ít nhất trong năm set của trận chung kết. Djokovic sau đó tiến vào phòng thay đồ, như anh từng làm khi thua trước hai set ở vòng bốn gặp Lorenzo Musetti.
"Anh ấy rời sân khi gặp bất lợi. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra trong đó, nhưng Novak trở lại sân và hóa thành một người khác", Tsitsipas nói sau khi thua ngược trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp. "Mọi thứ đột ngột thay đổi. Anh ấy tươi mới và chơi tốt hơn nhiều. Tôi cảm giác anh ấy đọc được mọi đường bóng của tôi và trận đấu rẽ sang hướng hoàn toàn khác".
Không ai biết Djokovic làm gì trong vài phút ngắn ngủi giữa set hai và set ba. Nhưng đúng như Tsitsipas thừa nhận, thế trận hoàn toàn nằm trong tay Djokovic kể từ đầu set ba. Tay vợt số một thế giới giành 73% số điểm từ giao bóng hai trong set ba và 80% trong set bốn – những số liệu rất khó tin trong quần vợt đỉnh cao. Không ai ở Roland Garros năm nay có thể tiệm cận tỷ lệ ghi điểm siêu việt như vậy. Trước đó, tỷ lệ này của Djokovic ở set một và set hai lần lượt là 25% và 50%.
"Tôi ghi nhớ những cuộc trò chuyện trong đầu", Djokovic tiết lộ sau khi đoạt Grand Slam thứ 19. "Luôn có hai giọng nói vang lên trong đầu tôi. Một nói rằng mọi thứ kết thúc rồi, Nole. Giọng nói đó vang lên khá mạnh sau set hai. Tôi cần trấn tĩnh để giọng nói thứ hai lên tiếng. Nó bảo rằng tôi vẫn có thể làm được. Tôi lặp lại nó nhiều lần. Tâm trí tôi bắt đầu thấy mạnh mẽ hơn. Tôi cố gắng động viên bản thân và để cơ thể sống với cảm xúc tích cực".
"Liều doping" mà Djokovic nạp vào cơ thể trong thời khắc sinh tử không chỉ giúp anh chơi hay hơn, mà còn khiến đối thủ bất an. Trong hai set cuối, Djokovic hủy diệt Tsitsipas ở những loạt bóng bền. Anh thắng 34 trong 35 pha bóng nhiều hơn năm lần chạm vợt. Ở phần lớn các tình huống đôi công, Tsitsipas trông như đang đánh vào bức tường thành vững chắc, rồi chán nản và tự đánh hỏng.
"Bài học của tôi hôm nay là trận đấu không kết thúc sau hai set", tay vợt Hy Lạp thừa nhận. "Dẫn trước hai set không đảm bảo cho chức vô địch. Ở nửa sau trận đấu, mọi thứ chuyển biến rất xấu. Tôi không thể làm gì hơn dù đã cố hết sức. Tôi cần thời gian để tìm hiểu lý do thất bại. Tôi vẫn chưa hiểu điều gì đã xảy ra".
Tsitsipas, thực tế, đã thử nhiều cách để loại bỏ khả năng phòng ngự thượng hạng của Djokovic. Trong set năm, tài năng 22 tuổi nhiều lần bỏ nhỏ, kéo đối phương lên lưới và mạnh dạn bung trái một tay dọc dây để kết thúc sớm đường bóng. Nhưng, số lần thành công của Tsitsipas ít hơn số lần thất bại. Djokovic, với vẻ mặt bình thản, trả bóng đều tay và tấn công hiểm hóc về hai góc sân để ghi điểm. Từ chỗ thắng cuộc đấu tâm lý, Djokovic thắng luôn về kỹ năng chơi bóng với đàn em kém 12 tuổi.
Không phải ngẫu nhiên Djokovic thường giành phần thắng ở những điểm số quan trọng. Tay vợt Serbia, bên cạnh thể lực phi thường, luôn rèn luyện tâm lý trong suốt giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Anh học thiền và yoga nhiều năm, khám phá những liệu pháp tâm linh mới và tìm mọi cách để chăm sóc tâm trí. Năm ngoái, sau thất bại chóng vánh dưới tay Rafael Nadal ở chung kết Roland Garros, Djokovic tới thung lũng kim tự tháp Visko tại Bosnia & Herzegovina để "chữa lành các tổn thương thể chất và tâm lý".
Djokovic từng công khai trên truyền hình về đức tin của bản thân với đấng tối cao. Anh khẳng định năng lượng bên trong con người có thể biến đổi thông qua những lời cầu nguyện. "Tôi quen vài người có thể dùng lời cầu nguyện để biến những thứ độc hại như thực phẩm bẩn hay nước bẩn thành chất chữa bệnh", Djokovic nói trên chương trình The Self Mastery Project năm 2019. "Đó là khoa học tâm linh. Nó vượt xa khoa học thông thường. Vì vậy, hãy luyện tập tâm trí bạn mỗi ngày".
Khi liên tiếp bị loại sớm ở Australia Mở rộng và Roland Garros 2018, Djokovic cùng vợ Jelena, dành nhiều ngày leo lên đỉnh Sainte-Victoire ở dãy núi Mont, miền nam Pháp. Anh tiết lộ đã nhìn từ đỉnh núi xuống, chiêm nghiệm mọi thứ và tìm thấy năng lượng tích cực trong tâm hồn. Ngay sau đó, Djokovic thắng cả Wimbledon và Mỹ Mở rộng. Từ đó tới nay, anh kiếm thêm năm Grand Slam.
"Djokovic là tay vợt kỳ lạ - người có thể rơi vào trạng thái thoải mái nhất trong những hoàn cảnh không thoải mái nhất", ký giả D'Arcy Maine của ESPN nhận định sau trận chung kết Roland Garros 2021. "Anh ấy thích đặt bản thân vào tình thế khó để tìm lại sự tỉnh táo và cảm giác bóng. Thể lực và tâm lý của Djokovic dẻo dai hơn bất kỳ tay vợt nào khác. Anh ấy có sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc – thứ mà bạn có lẽ phải tập luyện nhiều năm để sở hữu".
Ở tuổi 34, Djokovic không chỉ là huyền thoại sống, kỷ lục gia xuất chúng, mà cũng là một trong những kẻ săn danh hiệu dị biệt nhất làng banh nỉ.