Chiến thuật mới của Nadal ở tuổi 35
Rafael Nadal - sẽ sang tuổi 35 vào tháng 6, tìm cách kết thúc nhanh các pha bóng khi gặp Novak Djokovic ở chung kết Rome Masters, hôm 16/5.
Ở chung kết Rome Masters, Rafael Nadal luôn tìm cách tấn công sớm các tình huống bóng. Theo thống kê của ATP, Nadal áp đảo Novak Djokovic ở những loạt bóng dưới năm lần chạm vợt. Anh thắng 50 loạt, so với 36 của Djokovic. Ngược lại, ở những loạt đấu trên năm lần chạm vợt, Djokovic thắng 58 lần, còn Nadal thắng 44. Trong chín game đầu set một, Djokovic thậm chí thắng chín trong 10 loạt bóng bền trên chín lần chạm vợt. Cả trận, tay vợt số một thế giới áp đảo Nadal ở thông số này với tỷ số 20-5.
Thắng các loạt bóng ngắn, và thua các loạt bóng dài vẫn giúp Nadal hạ Djokovic 7-5, 1-6, 6-3. Nadal đã thử nghiệm điều này ở Madrid Masters. Tuy nhiên, mặt sân nhanh của giải đấu đó khiến ý đồ của Nadal chưa phát huy hiệu quả. Anh gác vợt ở tứ kết trước Alexander Zverev, người vượt trội ở khả năng giao bóng. Trong trận chung kết Rome Masters, Nadal sẵn sàng buông set hai, khi bị dẫn sớm 4-1. Anh, sau đó, trở lại ở set ba và giành chiến thắng chung cuộc. Đó là cách chủ nhân 20 Grand Slam tiết kiệm thể lực. Điều này cũng giống việc Nadal thường xuyên bỏ những bước chạy cuối cùng khi nhận thấy Djokovic bỏ nhỏ quá hay.
Ở cuộc đấu với Djokovic, Nadal giao bóng xoáy và ổn định hơn tại Madrid. Anh có ba cú ace, bên cạnh tỷ lệ giao bóng một trong sân 75%, hơn Djokovic 10%. Giao bóng tốt góp phần giúp Nadal kết thúc nhanh các pha tấn công kế tiếp. Ở đó, cú thuận tay trở thành yếu tố then chốt. Trong ngày thi đấu ấn tượng, Nadal lấy lại cảm giác từ những cú thuận tay sở trường. Ở set đầu, anh có 15 điểm winner từ cú đánh này, so với hai của Djokovic. Cả trận, Nadal 26 lần ghi điểm winner từ cú thuận tay, còn Djokovic chỉ có 11 lần.
Khi Djokovic không ép trái tốt, Nadal lập tức né trái đánh phải - cú đánh giúp Nadal ghi điểm bóng sống nhanh nhất. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ đánh thuận tay của Nadal là 57%, so với 51% của Djokovic. Thuận tay dọc dây và chéo sân của Nadal đều ổn định, giúp anh chiếm lợi thế trong những tình huống cần dứt điểm nhanh, hoặc phản công trong thế phòng ngự cuối sân.
Theo ATP, khoảng cách bóng và lưới trung bình trong mỗi cú đánh của Nadal là 0,96 mét. Điều này buộc Djokovic phải tiếp xúc bóng ở độ cao trung bình 1,24 mét. Mục đích của Nadal là đẩy bóng sâu về cuối sân, nhằm ngăn Djokovic tấn công sớm. Anh, nhờ đó, tạo thế chủ động để tấn công lại đối thủ bằng đường bóng kế tiếp. Ở phần sân đối diện, Djokovic đưa bóng sát lưới hơn, với khoảng cách trung bình 0,69 mét. Nadal, vì thế, tiếp xúc bóng ở độ cao trung bình 0,98 mét. Tuy nhiên, Nadal chọn lối chơi lùi sâu hơn Djokovic. 80% cú đánh của anh ở dưới vạch baseline, so với 73% của Djokovic.
Nadal thay đổi lối chơi giữa lúc chịu nhiều áp lực nhất. Trước khi tới Rome, anh đối mặt nguy cơ lần đầu không có danh hiệu Masters 1000 nào trong mùa đất nện, kể từ 2005. Nadal đã thua liên tiếp ở tứ kết tại Monte Carlo và Madrid, đồng thời vô địch Barcelona Mở rộng đầy nhọc nhằn. Nhưng màn trình diễn trước Nole cho thấy sự điều chỉnh của Nadal là hợp lý. Ông vua của lối chơi phòng ngự đã dám trở thành người tấn công trước trong các pha bóng quan trọng, bằng cú thuận tay mạnh mẽ đạt độ chính xác cao.
Hạ Djokovic bằng cách tiếp cận trận đấu khác, Nadal chứng minh bản thân vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu Roland Garros mùa này.