Chọn khu vực
Miền Bắc

0

Thêm vào giỏ hàng thành công

Xem giỏ hàng và thanh toán
Hotline Đặt hàng: hotline_dathang
Hotline CSKH: hotline_cskh

Nadal phiên bản mới, vị vua thay đổi để trị vì

Update : 16:40 - 17/06/2019

Những thành tích vô tiền khoáng hậu của Rafael Nadal trên sân đất nện khiến người hâm mộ dường như coi việc anh thắng trên sân đất nện, thậm chí coi việc giành được chiếc cúp Coupe des Mousquetaires cao quý tại RG hàng năm là điều khá hiển nhiên. Có thể điều đó là hiển nhiên thật, nhưng những ai theo dõi Nadal trong nhiều năm, sẽ hiểu rõ hơn những gì đã được Vua đất nện thay đổi và cải thiện để duy trì sự thống trị hiển nhiên đó.

Nadal giành Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp tại RG 2019.

Chiến thắng vừa qua của Nadal tại chung kết Roland Garros 2019 trước Dominic Thiem đã giúp Nadal có được chức vô địch lần thứ 12 tại RG, qua đó trở thành tay vợt đầu tiên trong lịch sử (tính cả trước và sau kỷ nguyên mở) vô địch một Grand Slam 12 lần, giúp anh nâng tỷ lệ chiến thắng tại RG lên 97,9% (thắng 93/95 trận), đồng thời duy trì tỷ lệ chiến thắng của anh trong các trận chung kết tại RG là 100% (12/12 trận).

RG được thành lập từ năm 1981 và trong lịch sử 128 năm của giải đấu, số lần nâng cúp của Nadal không chỉ nhiều nhất, mà nó còn gấp đôi số lần được hưởng niềm vui đó của Bjorn Borg, người đứng thứ 2 trong danh sách những người giành nhiều cúp nhất tại RG. Liệu 128 năm sau, thành tích này của Nadal có bị xô đổ?, gần như chắc chắn là chúng ta sẽ không sống đủ lâu để được chứng kiến điều đó thêm một lần nữa.

Những thành tích vô tiền khoáng hậu của Nadal trên sân đất nện khiến cho những khán giả làng banh nỉ và những người hâm mộ anh dường như coi việc anh thắng trên sân đất nện, thậm chí coi việc giành được chiếc cúp Coupe des Mousquetaires cao quý tại RG hàng năm là điều khá hiển nhiên. Có thể điều đó là hiển nhiên thật, nhưng những ai theo dõi Nadal trong nhiều năm, sẽ hiểu rõ hơn những gì đã được Nadal thay đổi và cải thiện để duy trì sự thống trị hiển nhiên đó.

Thay đổi lối chơi

HLV hiện tại của Nadal là Carlos Moya từ khi nhận lời làm HLV cho tay vợt đồng hương đã rất chú trọng đến việc mang đến một sự thay đổi về lối chơi cho Rafa. Điều này cũng dễ hiểu khi thời điểm Moya tham gia đội ngũ HLV của Rafa từ cuối năm 2016, khi đó Rafa đã hơn 30 tuổi, một độ tuổi mà đa số các tay vợt đã không còn duy trì đủ nền tảng thể lực để chơi bóng đỉnh cao, đặc biệt với một tay vợt có lối chơi tương đối mất nhiều sức như Nadal, điều này càng được nhắc đến nhiều hơn.

Moya hẳn là đã biết điều gì mà nếu thay đổi, sẽ tốt hơn cho Nadal. Trong nhiều lần chia sẻ với báo giới, Moya đã ngụ ý rằng việc Nadal tiếp tục lao vào thi đấu thật nhiều để tăng thêm tự tin sau mỗi lần thua trận mà không chú ý nhiều đến cách thay đổi lối chơi của mình thì sẽ đến ngày sẽ bị tụt lại.

Moya muốn truyền tải một thông điệp với Nadal rằng ở vào tuổi của tay vợt người Tây Ban Nha, chất lượng thì tốt hơn là số lượng. Những lo ngại của Moya đến rất nhanh, trong 02 năm 2017, 2018, dù Nadal vẫn chơi thành công trên sân đất nện, nhưng sự hụt hơi và mất tự tin của Nadal trên các mặt sân khác là rõ rệt.

Đến năm 2019, đến trước Rome, Nadal không giành được danh hiệu nào cả trên mặt sân cứng và sân đất nện (đây là lần đầu tiên đối với Nadal kể từ khi anh bắt đầu chơi chuyên nghiệp năm 2004). Đến đây, Nadal nhận thấy rõ ràng những bất ổn và có đủ động lực để thay đổi, nhất là khi nhìn thấy đại kình địch của mình (Federer) đã thay đổi và tỏa sáng như thế nào.

Sau trận đấu với Leonardo Mayer tại Barcelona, Vua đất nện đã ngồi hàng giờ đồng hồ để suy nghĩ và định hình lại thái độ cũng như sự quyết tâm chơi bóng của mình. Sau hôm đó, dường như Nadal đã xác định được mình cần phải thay đổi những gì để bước tiếp. Sau thành công tại Rome, phải đợi đến sau 02 vòng đấu đầu tiên tại RG, Nadal mới bắt đầu chia sẻ về những thay đổi của mình: “Nhiều người không hiểu đã cho rằng, tôi chơi chậm thì đạt hiệu quả, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại”. Nói điều này, Nadal như ngầm khẳng định rằng mình đang chơi bóng nhanh hơn.

Một Nadal tấn công toàn diện, không còn cầu toàn trong lối chơi

Cú volley của Nadal trong trận chung kết RG 2019. Ảnh: Tennis.com.

Nadal là một tay vợt cầu toàn, kể cả khi anh đã là một huyền thoại. Điều này không khó để nhận ra khi nhìn vào các thủ tục không hề thay đổi của Nadal trong bao nhiêu năm qua, có những thủ tục thậm chí làm anh trở nên hơi “khó coi” trong mắt người xem truyền hình (như thủ tục phát bóng) nhưng anh vẫn không bỏ nó, miễn đó là điều làm anh thoải mái và giúp anh chiến thắng. Nadal thường xuyên nhận đỡ bóng trước khi tung đồng xu ở đầu trận đấu vì anh lo ngại mình sẽ bị bẻ break trước.

Trong một thời gian dài, Nadal không thắng trận nhờ các điểm winners (luôn có điểm winners ít hơn đối phương dù là trước các đối thủ yếu hơn nhiều), anh thắng trận bằng lỗi tự đánh hỏng của đối thủ. Khi Nadal lên lưới, bỏ nhỏ hay cả cú phải tay chéo sân sở trường cũng chỉ được Nadal tự tin thể hiện khi anh ở vào một vị trí cực kỳ thuận lợi…

Nhưng Nadal ở Rome và Roland Garros đã không còn như vậy nữa: Những động lực từ trước Rome đã giúp Nadal có sự chuyển mình mạnh mẽ trong phong cách chơi, Nadal đã chọn cho mình lối chơi tấn công chủ động hoàn toàn. Điều này được minh chứng tại Rome, Nadal trên con đường giành cúp đã có 4 set thắng sập hầm (6-0), trong đó có một set thắng trắng trước Djokovic tại trận chung kết.

Nadal đã đánh bóng sớm hơn, ghi nhiều điểm winner hơn đối thủ (tổng số điểm winner của Nadal tại RG 2019 nhiều hơn gấp 1,5 lần so với tổng số điểm winner của các đối thủ của anh), giao bóng mạnh mẽ hơn (tốc độ giao bóng trung bình của Nadal tại RG 2019 cao hơn con số này tại RG 2018 là 5%, 178km/h vs 170km/h), Nadal lên lưới nhiều hơn (trong trận chung kết với RG 2019 với Thiem, Nadal lên lưới 27 lần, thành công 20 lần), bỏ nhỏ tích cực hơn mỗi khi có cơ hội và quan trọng là Nadal chấp nhận sự rủi ro do sự thay đổi này mang lại.

Việc chuyển sang lối chơi này có thể khiến Nadal thua những set mà trước đây anh có thể kiểm soát được hoặc có thể kéo dài set đấu đó lâu hơn nhằm làm mất sức và bào mòn tâm lý của đối phương, như set thua trước Nole tại chung kết Rome, set thua trước Goffin tại vòng 3 và set thua trước Thiem tại trận chung kết RG. Những set thua này, nếu xem kỹ có thể thấy đây là một sự đánh đổi khi Nadal thay đổi lối chơi.

Có thể lấy set thua của Goffin tại vòng 3 ra làm ví dụ, đối mặt với một Goffin chơi như lên đồng tại những game cuối của set thứ 3 trước khi ăn break và thắng Nadal ở set này (goffin trong những game này đã có liên tiếp những cú thuận tay ghi điểm winner có vận tốc lớn hơn 20% vận tốc trung bình cú forehand của tay vợt này trong cả trận), Nadal không chọn cách chơi hoàn toàn phòng thủ, chờ đối thủ mắc sai lầm như trước đây (trước đây, khi gặp các đối thủ có phong độ hủy diệt đột xuất tại một thời điểm nào đó trong trận đấu, như Fognini, Nishikori, Raonic, Kyrgios hay Gilles Muller, Nadal thường chọn cách phòng thủ an toàn, đợi đối phương mắc sai lầm hoặc đợi chờ giây phút xuất thần của đối phương qua đi rồi áp đặt lại lối chơi của mình), mà anh chấp nhận rủi ro, đôi công sòng phẳng với đối thủ, dẫu cho kết quả là sẽ mất 1 set đấu.

Một phiên bản mới của cú trái tay, vũ khí bản lề giúp Nadal áp đặt thế trận

Những cú trái tay uy lực, một vũ khí không mới nhưng đã được nâng tầm tại RG 2019. Ảnh: Telegraph.

Cũng như những tay vợt khác, Nadal yếu trái. Khi Nadal rơi vào trạng thái thiếu tự tin, cú trái của anh có thể là thảm họa, là nơi để các đối thủ khoét sâu vào. Ví dụ gần đây nhất khi Nadal rơi vào trạng như vậy là trận thua trước Fabio Fognini tại bán kết Monte Carlo. Trong trận đấu này, các cú trái của Nadal dường như chỉ là đánh cho có, khi bị Fognini ép trái, Nadal chỉ đơn giản là cố vớt bổng bóng sang phần sân phía trái tay của Fognini để chờ Fognini đánh lỗi. Tuy nhiên, trong một ngày thăng hoa, Fognini chơi rất ổn định và Nadal phải thúc thủ.

Nói như vậy cũng có thể là chưa công bằng với Nadal, khi mà về cơ bản cú trái tay của anh vẫn là ổn định, vẫn có thể giúp anh duy trì thế trận, chờ khi đối thủ mắc sai lầm hoặc chờ đến thời điểm thuận lợi khi Nadal có thể sử dụng cú phải tay áp đặt thế trận của mình. Không ít lần, chúng ta đã được chứng kiến uy lực từ cú trái tay của Nadal khi bị dồn tới đường cùng.

Tuy nhiên, để thay đổi, để phù hợp với lối chơi tấn công không cầu toàn của mình, Nadal buộc phải cải thiện cú trái để nó quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn, chính xác hơn, ổn định hơn, dù có thể đánh đổi là nếu đối phương phản đòn vào góc còn lại, Nadal hầu như chắc chắn sẽ phải chịu thua.

Thế nhưng, kết quả đến thật tuyệt vời, ở những trận đấu quyết định, như tại chung kết Rome trước Djokovic, tại bán kết RG trước Federer, tại chung kết RG trước Thiem, những cú trái chéo sân của Nadal khi bị ép thường phát huy tối đa tính sát thương của mình.

Tại 3 trận đấu kể trên, chúng ta có thể chứng kiến rất nhiều những pha tấn công từ cú trái tay của Nadal vào khu vực phải tay của đổi phương, đa số những pha bóng này, đối phương một là chịu thua điểm winner, hai là đỡ bóng ra ngoài, ba là trả bóng lại dễ, tạo điều kiện cho Nadal kết thúc pha bóng ngay tình huống tiếp theo (tiêu biểu cho cú trái tay của Nadal tại RG là cú winner giành điểm set point đã thành ‘shot of the day’ tại set đầu tiên trong trận bán kết gặp Federer).

Chúng ta đã thấy được sự lúng túng của những Djokovic, Thiem và đặc biệt là Federer khi giải pháp cuối cùng để có thể gây khó dễ cho Nadal của họ là nhồi trái lại bị phản pháo lại một cách quyết liệt như vậy. Một vũ khí được cải tiến mà góp phần làm cho Nadal gần như đã hoàn thiện, nay còn hoàn hảo hơn trên mặt sân đất nện.

Nadal, một thiên tài về tâm lý chiến

Nadal xúc động ăn mừng chức vô địch lần thứ 12 tại RG. Ảnh: Bloomberg.

Quan sát Nadal thi đấu tại Roland Garros, sau chiến thắng trước Djokovic tại Rome, nhiều người không khỏi bất ngờ khi Nadal ngã ra lấm lưng ăn mừng chiến thắng trên sân sau điểm số cuối cùng trước Thiem tại chung kết RG. Tại sao việc chiến thắng trước một đối thủ mà mình đã đánh từng đánh bại tại bán kết 2017, chung kết 2018 (trong chiến thắng tại chung kết RG 2018 trước Thiem, Nadal không ngã ra ăn mừng, mà chỉ đứng và năm hai tay đưa lên trời), lại khiến Nadal xúc động như vậy. Tại vì, chiến thắng trước Thiem lần này tại RG không chỉ là sự cải thiện về lối chơi, nó còn là cả một quá trình chiến đấu về mặt tâm lý của Nadal.

Trả lời phỏng vấn sau trận thắng của Nadal trước Thiem, Carlos Moya đã phải thừa nhận cậu học trò của mình là một thiên tài về tâm lý.

Chúng ta ngả mũ trước cái cách mà Nadal đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của mình. 18 tháng vừa qua có thể nói là một trong những thời gian khó khăn nhất của Nadal trong sự nghiệp. Từ chấn thương lưng buộc anh phải xin rút tại Australian Open 2018, đến chấn thương đầu gối khiến anh phải bỏ cuộc tại US Open, tiếp đó là cuộc phẫu thuật mắt cá chân vào tháng 11 năm ngoái.

Đầu năm 2019, Nadal cũng buộc phải rút lui trước trận bán kết gặp Federer tại Indian Wells và bỏ qua Miami Open do tái phát chấn thương đầu gối. Đến mùa đất nện sở trường, Nadal trải qua liên tiếp 3 giải đấu không giành được danh hiệu nào. Ngay tại thời điểm nhiều người nghĩ rằng thời kỳ trị vì của Nadal đã hết, thì anh lại quay trở lại, một cách bùng nổ và ngoạn mục. Nhìn vào cái cách những Del Potro, Andy Murray vật lộn với chấn thương và trở lại như thế nào, ta mới thấy tinh thần và thái độ vượt khó của Nadal thật đáng khâm phục ra sao.

Nhìn Nadal ngã xuống sân và xúc động như vậy sau điểm số cuối cùng tại trận chung kết RG, ta mới thấy được Nadal đã kiềm chế cảm xúc của mình tốt đến thế nào.

Đứng trước những trận đấu quan trọng, Nadal luôn tỏ ra bình thản hoặc khiêm tốn, vừa là do Nadal sợ nói trước thì bước không qua, nhưng cũng vừa là cách để Nadal không để cho cảm xúc của mình bay quá xa, dù anh có tự tin đến đâu.

Đã có những thời điểm khó khăn, như khi Nadal bị Djokovic san bằng tỷ số 1-1 tại chung kết Rome, khi bị Goffin bất ngờ lấy được 1 set tại vòng 3, khi phải chơi trong điều kiện nhiều gió trước Federer tại bán kết (Federer luôn có tiếng là thích ứng tốt với điều kiện thi đấu hơn Nadal, đặc biệt là khi có gió), hay khi chứng kiến lối chơi ổn định và mạnh mẽ của Thiem trong 2 set đầu của trận chung kết.

Đó đều là những tình huống khiến những ai là fan của Nadal sẽ đều lo lắng, nhưng chúng ta đã hầu như không thấy Nadal để lộ cảm xúc của mình, dù chỉ một chút. Điều này, thực sự làm cho những Djokovic, Federer và Thiem cảm thấy bất lực, khi Nadal không cho họ một dấu hiệu nào để thấy rằng họ sẽ có phần trăm chiến thắng.

Có thể nói phong độ của Nadal hiện tại đang ở vào một trong những khoảng thời gian tốt nhất trong sự nghiệp, cả về nền tảng thể lực lẫn tâm lý thi đấu. Rafael Nadal là cái tên các tay vợt ít muốn chạm mặt nhất vào thời điểm này.

Hướng tới Wimbledon 2019, Nadal sẽ không đánh giải nào trước Grand Slam thứ 3 của năm. Năm ngoái Nadal chỉ thua Nole ở một vài game đấu để vô địch Wimbledon 2018. Liệu thời điểm này gặp lại, Nole đã nghĩ ra cách để hóa giải một Nadal phiên bản mới hay chưa? Sẽ là chức vô địch Wimbledon lần thứ 3 cho Nadal. Tại sao không?

SGGP

Bình luận

Online Support
Newsletter

!