Chọn khu vực
Miền Bắc

0

Thêm vào giỏ hàng thành công

Xem giỏ hàng và thanh toán
Hotline Đặt hàng: hotline_dathang
Hotline CSKH: hotline_cskh

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: "Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày"

Update : 10:39 - 27/12/2018

2.685.502 bước chân, 1972,6 km, 18 con đèo lớn nhỏ, 20 tỉnh thành, 62 ngày đêm, là những con số thống kê về hành trình xuyên Việt nối liền 2 miền Ngoại Thương Hà Nội - TPHCM của nam sinh 22 tuổi.

Trần Mạnh Cường - sinh viên khoá 53 Đại Học Ngoại thương Hà Nội, vừa kết thúc hành trình bộ hành nối liền FTU Bắc - Nam kéo dài 62 ngày. Cường bắt đầu bước chân đầu tiên vào ngày 14/9/2018 tại cổng trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội với sự ủng hộ của thầy cô và bè bạn. Hơn 2 tháng rong ruổi với biết bao khó khăn, ngày 14/11, Cường đã chính thức kết thúc hành trình, chạm tay vào bia đá ĐH Ngoại Thương Hồ Chí Minh, với thông điệp "Thanh niên ơi, ý chí là sức mạnh". 

Chúng tôi hẹn gặp Trần Mạnh Cường sau một tháng cậu kết thúc hành trình phi thường của mình. Cường bảo, có quá nhiều điều để chia sẻ, cả những câu chuyện, những cơ duyên mà có lẽ cậu chỉ gặp một lần trong đời. 

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày - Ảnh 1.

Trần Mạnh Cường - sinh viên khoá 53 Đại Học Ngoại thương Hà Nội.

 

2.685.502 bước chân - 62 ngày đêm - 1972,6 km

 

Chào Cường, hãy chia sẻ một chút, cảm giác hiện tại của bạn sau hành trình 62 ngày xuyên Việt nối liền FTU 2 miền?

Cho đến bây giờ, dù đã hơn một tháng kết thúc hành trình, mình vẫn còn cảm thấy lâng lâng, vỡ oà như giây phút bước chân vào FTU 2. 

Ngày rời FTU 1, mình có chút hụt hẫng. Đó là thứ cảm giác đầu tiên, khi mà chặng đường phía trước tự mình bước đến, còn thầy cô, bạn bè đều dừng chân ở phía sau. Nhưng mình biết, ai cũng có vài ba lần trong đời vì không đủ kiên trì, không đủ đam mê, hoặc đôi khi là không cố gắng nên chấp nhận buông bỏ những hoài bão. Bản thân mình không như thế. Chuyến đi này là cách để tự rèn luyện ý chí của chính mình.

Từ đâu, Cường bắt đầu có ý tưởng đi bộ xuyên Việt?

Thực ra mình ấp ủ một chuyến đi dọc đất nước từ năm 2 ĐH, nhưng lúc ấy mình chưa có một ý tưởng cụ thể về việc đi như thế nào, trong bao lâu, phải chuẩn bị những gì. Sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình học ở Ngoại Thương, mình bắt tay lên kế hoạch, và suy nghĩ nhiều hơn về hành trình.

Ngẫm lại, quãng thời gian sinh viên của mình, có rất nhiều mục tiêu đạt được, nhưng cũng có những mục tiêu không đạt được. Mình muốn đặt bản thân vào một thử thách, xác định là khó khăn nhất từ trước đến giờ, không có đường lùi và bắt buộc phải bước tiếp. Lúc ấy, mình quyết định sẽ đi bộ dọc đất nước.

Suốt quãng thời gian sinh viên 4 năm, chưa có chương trình nào mang tính kết nối sinh viên 2 miền. Mình có khao khát được kết nối 2 miền với nhau, để dọc hành trình có hậu phương vững chắc, là bạn bè, thầy cô, là sinh viên, cựu sinh viên FTU. Bởi thế, mình chọn điểm đầu là FTU Hà Nội, điểm cuối là FTU Hồ Chí Minh.

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày - Ảnh 2.

Cường chụp ảnh kỷ niệm trước hành trình cùng thầy cô và bạn bè tại trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội.

Được biết, bên cạnh những lời động viên, ít nhiều ý kiến cho rằng hành trình này của bạn là một điều "điên rồ", không hơn không kém. Trước những lời dèm pha ấy, bạn đã xử lý và thể hiện tinh thần quyết tâm của mình như nào?

Từ khi quyết định đi, mình đã chuẩn bị tinh thần chấp nhận tất cả, kể cả những ý kiến trái chiều. Bản thân mình không bị ảnh hưởng bởi những lời dèm pha, bởi mình nghĩ, những lời động viên cho mình động lực, ngược lại sự chế giễu từ những người không hiểu chuyện, thì không bao giờ chính xác. 

Thế còn bố mẹ bạn? Họ có ủng hộ với quyết định có phần liều lĩnh của cậu con trai họ không?

Bố mẹ không ủng hộ, cũng không phản đối. Họ chấp nhận để con trai tham gia vào thử thách này, và chờ xem mình vượt qua thế nào. 

Bố có khuyên hãy chọn một hình thức nào khác an toàn hơn, xe đạp hay xe máy chẳng hạn. Bố lo lắng nếu đi bộ một mình, không ai hỗ trợ những lúc mệt mỏi, ốm đau. Đặc biệt, mình lại có "tiền án" liên quan đến tiêu hoá, xoang, thậm chí là căng thẳng thần kinh. 

Còn mẹ vốn từ đầu không phản đối nhiều. Mẹ bảo, giờ mình chuẩn bị xong xuôi hết rồi, thì huỷ cũng không nên. Bà chỉ thắc mắc, sao không để mấy năm nữa rồi đi. Nhưng thực chất, nếu không đi thời điểm này mình sẽ không có lúc nào khác nữa. Sau này, khi đã có công việc, gia đình, mình không thể bỏ quãng thời gian dài như thế để đi. 

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày - Ảnh 3.

Bố mẹ dù lo lắng, nhưng vẫn luôn ủng hộ Cường theo đuổi giấc mơ tự chinh phục bản thân.

Hành trình đi bộ xuyên Việt của bạn diễn ra trong vòng bao nhiêu ngày? Để chuẩn bị cho tất cả, bạn đã mất bao lâu và phải chuẩn bị những gì, cả vật chất lẫn tinh thần?

Một vài con số thống kê khá thú vị sau hành trình, mình xin phép được chia sẻ.

2.685.502 là tổng số bước chân kể từ khi mình xuất phát từ FTU Hà Nội cho đến ngày chạm đích tại FTU Hồ Chí Minh.

Hành trình dài. 1972,6 km với 20 kg hành lý trên vai, vượt qua 18 con đèo lớn nhỏ và 20 tỉnh thành. 

47 ngày đường. 9 ngày nghỉ. 6 ngày tạm ngưng.

Ngày đi nhiều nhất 65.7km. Trung bình 31.8km.

Khi mình quyết định dành thời gian đi dọc đất nước, mình bắt đầu tích luỹ, có lẽ là từ năm 2 ĐH. Mình phải cố gắng lo được chi phí sinh hoạt, dành ra mỗi tháng một khoản nhỏ. Mình cũng tăng cường dạy tiếng Anh, kiếm thêm thu nhập từ các công việc khác, kêu gọi tài trợ và có đi vay. Sau khi chuẩn bị hết, mình mới báo cho gia đình biết. Lúc đó, mình có nhận được một phần ủng hộ từ bố mẹ.

Mình xác định, để có thể đi bộ xuyên việt, tinh thần là thứ quan trọng nhất. Hành trình thành công không phải khi chạm đích, mà là khi nó tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều người. Họ vẫn hay bảo, cực thế này có cho tiền cũng không dám đi. Nhưng, ai cũng có riêng cho mình một hành trình để bước tiếp. Khi còn trẻ, mình cố gắng biến hành trình ấy trở nên rực rỡ và ý nghĩa hơn. Nới rộng giới hạn chịu đựng của bản thân bằng ý chí ở chính mình thì mọi nỗ lực đều sẽ có thành quả. 

Cường chụp ảnh tại những nơi cậu đi qua, cho cuốn album đắt giá nhất cuộc đời tính đến hiện tại. 

 

Những cơn say nắng kinh khủng không loại thuốc nào chống đỡ được

 

Trên hành trình 62 ngày đêm nối liền FTU 2 miền, đâu là khó khăn lớn nhất mà bạn phải đối mặt?

Khó khăn thì rất nhiều, nhưng với bản thân mình, gian nan nhất, có lẽ là thời tiết. 

Những vùng như Thanh Nghệ Tĩnh, phía Bắc là vùng núi Ninh Bình, phía Nam là đèo ngang, ở giữa là lòng chảo. Về tới Vinh (Nghệ An), mình gặp ngay cơn say nắng dai dẳng. Vào đến Đà Nẵng, mình đỡ hơn chút và mất khoảng 12 ngày cho cơn say nắng phải nói là kinh khủng nhất đến giờ phút này. Đầu óc quay cuồng, mệt mỏi. Mình mang theo 2,5 kg thuốc men, đủ các loại. Nhưng không loại thuốc nào giúp mình vượt qua được cảm giác đó. Sau cơn say, mình bắt đầu dùng dầu gió. Trên hành trình, mình dùng hết gần 9 lọ như thế. 

Với chiếc balo nặng hơn 20kg, có những lúc mình bị dây quai cứa lên vai, trầy xước, mọc mụn rồi chảy máu. Cái hay nhất là khi bỏ balo ra, mình đi mất thăng bằng. Bởi balo quá nặng, nó như một phần cơ thể nên mình tập làm quen, trọng tâm cơ thể thay đổi là mình đi xiêu vẹo như người say rượu.

Những cột mốc, địa danh trên hành trình đi qua 20 tỉnh, thành. 

Mình không khoẻ mạnh như mọi người nghĩ. Năm lớp 8 bị đau dạ dày, lớp 10 viêm xoang và đau đại tràng. Tất cả mọi người trong gia đình hay những bạn bè thân thiết đều biết mình thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau bụng, đau đầu. Suốt hành trình, mình bị tiêu chảy, ngộ độc, đôi chân sưng lên, chảy máu rát. 

Tuy nhiên, với những vết thương trên cơ thể, mình không xem đấy là khó khăn, mà đơn giản là điều hiển nhiên mình phải chấp nhận một khi đã quyết định "dấn thân". Khi đi dạy, mình vẫn hay nói với học sinh, đời người bao nhiêu kiếp nạn khổ ải, mình càng khổ bây giờ, mình càng đến gần cái sướng.

Ngoài ra, nhiều lần mình bị bản đồ "lừa", bắt buộc phải thay đổi hành trình. Như một lần ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, rõ ràng trên bản đồ hiển thị nhà nghỉ chỉ còn cách 800m. Nhưng khi tới nơi, con đường ấy đâm ra một quả núi, vắng không một bóng người. Hôm đó, mình thực sự mệt và kiệt sức vì mãi không kiếm được chốn dừng chân.

Những lúc lạc đường, bạn có sợ không? 

Từ lúc xác định đi bộ, có đi xuyên đêm và phải ngủ ngoài đường, mình cũng đi. Thực sự ngày ngủ ngoài đường đáng nhớ nhất là ở Quảng Bình. Khi ấy trời mưa lớn, mình đi qua thị trấn Quán Hàu, khu vực chỉ toàn nhà dân, không có nhà nghỉ hay cửa hàng ăn uống nào. Chặng đường hôm đấy kéo dài 35 km, mình cố đi, mãi đến 11h đêm trời mưa to hơn, đến được trạm xăng xin nghỉ nhờ nhưng họ không cho.

Mình lả lắm rồi, nhưng vẫn phải đi tiếp. Đến khi không còn một chút sức lực nào, mình lăn ra đường, ngửa mặt lên trời, há miệng... đớp mưa. Đáng nhớ cực luôn!!!

Mình chẳng nghĩ gì, còn không biết cái gì sẽ xảy đến tiếp theo. Cứ nằm như vậy. Cảm giác muốn nhấc chân lên mà đôi giày kéo xuống.

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày - Ảnh 6.

Những phút giây thư thái, nghỉ ngơi.

Lúc sau, mình phát hiện xa xa có ánh đèn pin. Mình bắt đầu có hy vọng, cố lết đến gần thì bất ngờ gặp một anh đi soi cá đêm. Anh ấy thương cho về nhà. Anh đi xe máy về trước, mình đi bộ theo sau, chứ không ăn gian theo kiểu nhảy lên xe của anh. 

Mình vào tới nhà anh gần 1h sáng. Nhà anh nghèo lắm. Còn mấy cái bánh bột lọc, anh đưa cho mình. Ăn xong biết mình vẫn đói, anh lại úp thêm cho gói mì. Cảm giác đấy là bát mì ngon nhất cuộc đời.

Có bao giờ bạn có từng nghĩ tới việc "bỏ cuộc", dừng lại hành trình rồi quay lại Hà Nội? 

Bỏ cuộc, thực sự chưa bao giờ mình nghĩ tới. Những lúc mệt mỏi nhất, mình thường nghĩ về lý do khi mình bắt đầu hành trình, nghĩ về sự tin tưởng, ủng hộ của mọi người. 

Một ngày ở Quảng Nam, trời mưa to, mình có ghé vào quán nước. Bác chủ quán sau khi biết về hành trình, đã hỏi mình một câu: "Con có hối hận không?". Trước đó, ở Hà Nam, cũng vài người khuyên mình nên quay về, "Em đi làm gì, không ai cấp cho em chứng chỉ, chứng nhận gì, nhà nước cũng không trợ cấp". Đến tận Nghệ An, người ta vẫn bảo: "Thôi, đến đây là được rồi, thành công rồi, quay về đi!".

Nhưng sau tất cả, mình vẫn có thể hoàn thành thử thách đã đặt ra, vượt qua chính bản thân mình và hơn cả sự kỳ vọng của mọi người. Mệt thì đương nhiên là có, nhưng để nói mệt đến mức hối hận và từ bỏ thì mình không! 

Đôi chân lở loét, "2 màu", đầy vết thương tích xuyên suốt chuyến đi. 

Bước chân cuối cùng khi chạm vạch đích, cảm xúc lúc ấy trong bạn như nào?

Mọi thứ như vỡ oà ngày mình bước qua cánh cổng FTU 2. 

Từ Đồng Nai về Sài Gòn, cho chặng hành trình cuối, cỡ khoảng 39km. Hôm đó mình đi liền một mạch, không ăn, không uống. Đến cầu Sài Gòn, chỉ còn cách trường khoảng 300m, mình háo hức lắm. Chẳng hiểu sao động lực đâu ra mà mình có thể đi nhanh và vững tin như thế. 

Đêm hôm trước, tức ngày 13/11/2018, mình thuê nhà nghỉ ở sát trường. Chỉ 300m nữa thôi, cũng ngứa chân rồi, nhưng mình nghĩ chẳng nhẽ chạm đích ngay trong đêm. Mình đã chờ được 2 tháng rồi thì chờ thêm một buổi tối nữa. Mình quyết tâm đợi đến sáng hôm sau. 

Sáng 14/11/2018, giây phút hạnh phúc ngập tràn. Không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Mình đã phải chờ 2 năm, 2 tháng cho khoảnh khắc ấy. Hành trình chính thức khép lại với biết bao kỷ niệm không thể nào quên. Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả những người đã luôn ủng hộ, động viên và dõi theo từng bước chân của mình đi trong suốt hành trình. Đây sẽ là động lực vô cùng to lớn để mình vững vàng hơn trên những chặng đường tương lai. Hi vọng hành trình đã thực sự mang lại nguồn cảm hứng, động lực cho mọi người.

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày - Ảnh 8.

Cường hạnh phúc vỡ oà giây phút chạm được bia đá FTU2.

Trên chặng đường ấy, đâu là những kỷ niệm mà bạn nghĩ sẽ thể nào quên? Là tình cảm của những người xa lạ, hay sự giúp đỡ kịp thời của những FTU-er dọc đất nước? 

Tất cả những ngày số 14, với mình, đều có kỷ niệm. 

14/9/2018. Mình bắt đầu xuất phát từ FTU 1. Dù 15/9 là ngày trao bằng tốt nghiệp, mình phải bỏ lỡ để bắt đầu hành trình. 

14/10/2018. Cột mốc này gắn liền với câu chuyện một chị FTU-er quá cố, ở Quảng Nam. Chị ấy bị u phổi, ngày chị nằm viện cũng là ngày FTU 2 trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Lúc ấy, chị yếu lắm. Chị từng bảo, dù có chết cũng phải đi nhận bằng cho bằng bạn bằng bè. Không lâu sau, chị qua đời. Bố chị đã làm thủ tục lấy bằng hộ con gái. Chị đã không kịp gửi lời chào tới bạn bè, thầy cô. 

Lúc ở đến Quảng Nam, không hiểu duyên phận như nào, căn nhà tớ dừng chân là của gia đình chị. Biết được câu chuyện, ngày tớ rời đi, bố chị có gửi một lá thư viết vội, nhờ trao tận tay thầy cô và bạn bè chị. Mình đã mang lá thư trong suốt hành trình. Đến lúc chạm bia đá ở FTU2, tớ tìm gặp thầy trưởng phfong đào tạo trao lại bức thư. Đấy có lẽ là câu chuyện đáng nhớ nhất, ý nghĩa nhất mình từng trải qua. 

Đi đến tỉnh thành nào, mình cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người, hầu hết là những người xa lạ, nhưng cảm tưởng như người thân trong gia đình. 

14/11/2018. Đương nhiên, ngày mình chạm đích FTU 2, hoàn thành giấc mơ nối liền 2 miền Ngoại Thương. 

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày - Ảnh 9.

Cường trao lại bức thư của một chị FTU-er quá cố cho giáo viên.

Bài học lớn nhất bạn rút ra sau 4 năm ĐH và hành trình vừa rồi của chính mình? Với những người trẻ, gian nan hay những thử thách có phải là liều thuốc chứng minh sức mạnh? Nhiều người gọi Cường là người hùng với sức mạnh phi thường, bạn nghĩ như nào?

Bài học lớn nhất với mình, là không nên nhìn vào người khác và tự đánh giá thấp bản thân. Nhìn vào người khác không làm mình tốt lên, thậm chí nó còn khiến mình nhụt chí hơn. Nên biết vui với những thành công nhỏ, vì hành trình của mình nếu hụt đi 1 bước chân cũng thất bại, cả hành trình là mấy triệu bước chân mới tạo nên thành công. Mình không bao giờ đánh giá thấp những bước tiến nhỏ. Dù là nhỏ bé, nhưng mình đang tốt lên từng ngày. 

Mọi người bảo mình phi thường, mình không thấy vui vì điều đó. Điều duy nhất mình vui là khi có thể hoàn thành mục tiêu. Những công sức mình bỏ ra, sự tung hô tạm thời của mọi người, thực sự mình chưa đủ thành công để nhận hình ảnh đó. Mình muốn bản thân giữ sự tập trung, không cần hào nhoáng, để không bị những thành tích quá khứ làm mờ mắt, để giữ bản thân hướng tới những dự định sắp tới, và để thu lại một góc riêng những cảm xúc không thể nào quên.

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày - Ảnh 10.

Đôi giày "siêu bền" theo Cường dọc đất nước.

Quan điểm sống tích cực của bạn, hay những câu nói về người trẻ mà bạn tâm đắc nhất, xem đấy là kim chỉ nam cho cuộc sống?

Mình luôn luôn tin rằng xung quanh có rất nhiều người tốt. Đó là động lực, ý chí để mình tiếp tục phấn đấu. Khi mình chưa đi, có biết bao người hoài nghi. Khi mình hoàn thành rồi, không còn ai nói được gì mình nữa. Mình tin vào bản thân, sống và cống hiến vì những điều tốt đẹp trong xã hội. 

Nếu cảm thấy hành động của mình làm xã hội xấu đi, mình sẽ không bao giờ muốn làm. Mình có một câu cửa miệng, cái gì tin là như thế thì nó sẽ như thế. Đời là bể khổ, nếu biết lấy khổ làm vui, cả đời sung sướng. Càng thất bại nhiều thì càng thành công!

Cuộc đời chúng ta nếu chưa đủ gập ghềnh thường ngại xông pha. Nhưng đến một lúc nào đó, sóng gió ập đến, tự khắc chúng ta phải cứng cỏi hơn, kiên cường hơn. Ý chí là sức mạnh, là điều kiện quan trọng nhất cho thành công.

Mong rằng những dự định trong tương lai, mình vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của mọi người. Để mãi về sau, hành trình này như một lời nhắc nhở đối với mình về sự kiên trì và ý chí. 

Gặp chàng sinh viên ngoại thương đi bộ từ FTU Hà Nội đến FTU TP.HCM: Mình dùng hết 9 lọ dầu gió suốt hành trình 62 ngày - Ảnh 11.

Chúc Cường sẽ thành công với những dự định sắp tới.

Cảm ơn Cường về buổi trò chuyện thú vị!

Bình luận

Online Support
Newsletter

!