Chọn khu vực
Miền Bắc

0

Thêm vào giỏ hàng thành công

Xem giỏ hàng và thanh toán
Hotline Đặt hàng: hotline_dathang
Hotline CSKH: hotline_cskh

Dominic Thiem - 'người sắt' của làng banh nỉ

Update : 08:32 - 22/01/2021

Chậm mà chắc, tay vợt người Áo đang dần vượt mặt các anh hào ở ATP mà nạn nhân mới nhất là Roger Federer.

Ở trận chung kết Indian Wells hôm 17/3, Thiem bị ngã trong nỗ lực cứu bóng set cuối, khiến khuỷu tay rướm máu. Tay vợt người Áo không màng vết thương, để quật ngã Roger Federer và đoạt danh hiệu Master đầu tiên trong sự nghiệp. Khoảnh khắc Thiem nâng Cup, Federer đứng sau và cười tươi lạ thường. Tay vợt 25 tuổi xứng đáng với thành quả mà anh cật lực phấn đấu.

 

 

Thiem mừng chiến thắng trước Federer để vô địch Indian Wells, đồng thời vượt mặt "Tàu tốc hành" để lên thứ tư ATP. Ảnh: ATPTour.com.

 

Gunter Bresnik - người huấn luyện Thiem từ năm anh 9 tuổi - xác nhận rằng tay vợt người Áo tập 12 tiếng mỗi ngày. Thiem chạy bộ khoảng một tiếng lúc 7h mỗi sáng, rồi trở về dùng điểm tâm. Sau bữa, anh khởi động rồi cầm vợt ra sân tập. Thời gian biểu đó được lặp lại vào chiều tối, mỗi ngày. Thiem được ví như "người sắt", vì thói quen tập luyện như cỗ máy.

Một lý do khác để gọi Thiem như vậy là bởi anh từng được rèn thể lực bởi "người sắt" chính hiệu - Sepp Resnik.

Thiem bắt đầu "ớn" Resnik vào một buổi chiều tháng 3, bên bờ con kênh Wiener Neustadt ở Áo. Nơi họ gặp nhau nằm sát cánh rừng - địa điểm Resnik chọn để rèn thể lực cho tay vợt khi đó chưa tròn 20 tuổi. Để đến vị trí tập, họ phải qua con kênh, vốn không có cầu bắc ngang. Khi Thiem còn suy tính, Resnik đã nhảy xuống dòng nước, ngoái đầu lại nói: "Cậu còn chờ gì nữa. Kênh chỉ rộng khoảng năm mét, sâu hai mét. Cậu sẽ không chết đuối được đâu". Sang bên kia bờ, Thiem được giao những bài tập dường như chỉ có trong thể thao năm môn phối hợp. Một tiếng sau, họ trở lại bên kia bờ. Resnik nói: "Thấy chưa. Giờ cậu còn chẳng cần tắm nữa".

Resnik là cựu VĐV thể dục dụng cụ, bóng đá, judo, điền kinh và năm môn phối hợp. Năm 1984, ông là người Áo đầu tiên dự giải ba môn phối hợp Ironman (người sắt) ở Hawaii. 10 năm sau, ông đạp xe vòng quanh thế giới trong 80 ngày.

 

 

Resnik (trái) mang đến chế độ tập luyện khắc nghiệt cho Thiem ngay từ khi tay vợt người Áo chưa tròn 20 tuổi. Ảnh: Fleisch.

 

Khi hợp tác với Resnik, Thiem là một trong những tài năng thể thao triển vọng của Áo, sánh ngang David Alaba ở môn bóng đá. Nhưng Bresnik luôn đau đầu về viễn cảnh khi Thiem thi đấu chuyên nghiệp. Ông đánh giá điều quan trọng nhất để một tay vợt thành công là khả năng chống chọi áp lực. Nhiều năm liền, ông tìm cách cải thiện thể lực cho học trò. Mùa thu năm 2012, Bresnik gặp gỡ và mời Resnik đến khu tập luyện Sudstadt một chuyến. Resnik đến và dành 10 phút xem Thiem đánh tập. Trở lại, ông nói: "Bresnik này, tôi xem đủ rồi. Chàng trai đó có thể làm mọi thứ từ hông trở lên, nhưng chẳng thể làm gì từ hông trở xuống".

Mùa đông năm đó, họ bắt đầu hợp tác theo chế độ tập luyện của Resnik, bao gồm 15km chạy bộ mỗi đêm ở công viên. Đêm đầu tiên, Resnik đếm được 16 lần Thiem phải dừng chạy để đi bộ. Hai tuần sau, chàng trai trẻ chỉ cần hai lần đi bộ.

Resnik cho rằng địa điểm tập luyện tốt nhất không phải phòng gym, mà là ở thiên nhiên. Ông và Thiem không nâng tạ mà vào rừng nâng thân cây, không dùng bể bơi trong nhà mà tìm đến sông suối. "Chúng tôi dành hai tiếng đi bộ trong rừng, rồi nâng miếng gỗ 25kg trên vai và tiếp tục đi thêm hai tiếng nữa. Mỗi khi Thiem thấy mỏi, cậu ấy nhìn sang tôi và thấy một ông lão 60 tuổi vẫn vác gỗ và huýt sáo. Tự khắc cậu ấy sẽ cố tiếp. Có dịp tôi đánh thức Thiem lúc nửa đêm và yêu cầu cậu ta hít đất trong 45 phút. Thiem kêu đau và không muốn tiếp tục. Nhưng, việc gì một ông lão 60 tuổi có thể làm được, chàng trai 20 tuổi phải làm được gấp ba. Không có bài tập nào mà tôi không tập cùng Thiem", ông nói trên tạp chí Fleisch.

 

 

Thiem (trái) và Resnik trong một buổi tập trong rừng. Người hâm mộ từng đặt biệt danh cho Thiem là "Chúa tể rừng xanh". Ảnh: Fleisch.

 

Resnik là "gã điên", theo như mô tả từ Bresnik. Nhưng, Resnik điên theo nghĩa tích cực. Không chỉ Bresnik, Thiem và bố anh cũng đánh giá cao sự nhiệt huyết và tận tâm của Resnik trong công việc. Trước khi làm việc cùng Resnik, Thiem đứng ngoài top 300 ATP. Chỉ sau tám tháng, anh vọt lên vị trí 150, tính cả hai tháng nghỉ thi đấu vì phẫu thuật ruột. Anh cũng hai lần vào tứ kết ATP 250 ở Kitzbuhel và Vienna (Áo).

Resnik sẽ thất bại nếu học trò không có ý chí sắt đá như Thiem. Tay vợt đang đứng thứ tư ATP sinh ra ở thị trấn Lichtenworth, cách thủ đô Vienna chỉ một giờ chạy xe. Bố mẹ anh đều là HLV quần vợt, giúp anh học cầm vợt từ năm 6 tuổi. "Sinh ra trong gia đình như thế, tôi không có lựa chọn khác là theo đuổi sự nghiệp quần vợt", Thiem nói trên tài khoản Youtube cá nhân.

Thiem chọn lối đánh phòng ngự khi còn nhỏ, cho đến 12 tuổi. HLV Bresnik quyết định táo bạo, yêu cầu học trò chuyển từ trái hai tay sang trái một tay. "Tay của Thiem rất khỏe, nhưng tư duy của cậu ấy thiên nhiều về phòng thủ. Nhưng nếu cứ đánh trái hai tay, cậu ấy sẽ chỉ là tay vợt bình thường", Bresnik - người từng huấn luyện Boris Becker và Patrick McEnroe - hồi tưởng.

Thời đó, Thiem là một trong những tài năng ở lứa tuổi của anh. Nhưng trong hơn một năm rưỡi, cậu bé không thắng nổi trận nào. Phong độ và sự tự tin của Thiem tụt dốc không phanh. Từ vị trí thứ ba ở nhóm tuổi tại Áo, cậu rơi ra ngoài top 20.

"Mọi người đều nghĩ tôi là thằng ngu", Bresnik nhớ lại. Chỉ có Thiem đứng về phía thầy. "Khi đó, Bresnik đã coi tôi như một người trưởng thành và tính đường cho tôi đánh chuyên nghiệp", anh nói. Bresnik hiểu rằng một tay vợt trẻ cần trải nghiệm nhiều phong cách. Họ cần xóa bỏ tâm lý phải thắng từng trận, từng giải đấu với lối đánh sở trường. Martin Blackman - Giám đốc điều hành chương trình phát triển tài năng quần vợt Mỹ - từng nói: "Chúng ta phải cố gắng rèn tay vợt nhí trở nên hoàn thiện. Việc chỉ có một sở trường sẽ kìm hãm sự phát triển của họ trong tương lai".

 

 

Bresnik huấn luyện Thiem từ năm 2002 cho đến nay. Ảnh: GEPA.

 

Thời gian chứng minh Bresnik đã đúng. Chỉ mất một năm, Thiem trở lại guồng vô địch. Tay vợt cao 1m85 trở thành một trong những tay vợt đánh trái một tay hay nhất làng ATP lúc này. Những cú vung trái của anh đủ uy lực để có thể ghi điểm ở bất cứ vị trí nào. Thiem đã là người hùng ở Lichtenworth. Người dân treo bốn bảng hiệu lớn dẫn vào thị trấn, với dòng chữ: "Quê nhà của Dominic Thiem".

Thiem không phải mẫu tay vợt có tài năng bẩm sinh như Roger Federer hay Nick Kyrgios. Anh từng chuyển sang đánh chuyên nghiệp chỉ vì quá tuổi dự các giải trẻ. Năm 20 tuổi, Thiem vẫn còn đánh những giải Challenger (thường dành cho tay vợt thứ 100 đến 300 ATP). Cũng ở độ tuổi đó, Grigor Dimitrov, Alexander Zverev, Bernard Tomic hay Juan Martin del Potro đã làm mưa làm gió ở Grand Slam. Đổi lại, Thiem tiến chậm mà chắc. Trong 10 năm qua, thứ bậc ATP cuối năm của Thiem luôn tăng. Chỉ có ngoại lệ ở năm 2018, khi Roger Federer và Novak Djokovic lấy lại phong độ.

Sở trường của Thiem là mặt sân đất nện, nơi anh đoạt tám trong 12 danh hiệu ATP. Tay vợt điển trai chưa từng đi quá tứ kết Grand Slam sân cỏ và sân cứng. Nhưng tại Roland Garros, anh hai lần vào bán kết và một lần vào chung kết. Thống kê thuyết phục hơn cả là Thiem nằm trong số ít tay vợt từng hạ Nadal ba lần trên sân đất nện, chỉ sau Djokovic (bảy lần).

 

 

Sự kết hợp với Massu giúp Thiem dần hoàn thiện, bắt đầu chinh phục mục tiêu cao hơn. Ảnh: AFP.

 

Với một tay vợt ý chí sắt đá như Thiem, anh hiển nhiên muốn cải thiện khả năng trên sân cứng. Trước thềm Indian Wells, Thiem tìm đến sự trợ giúp của Nicolas Massu. Cựu tay vợt người Chile cũng ưa đánh trên sân đất nện, nhưng thành quả lớn nhất sự nghiệp của ông diễn ra trên sân cứng: HC vàng đơn nam Olympic 2004.

Massu không tiết lộ nhiều về lợi ích ông mang lại cho Thiem. "Tôi chỉ muốn cậu ấy chơi tấn công nhiều hơn trên sân cứng", ông nói. Công sức của thầy trò được đền đáp ngay ở giải đầu tiên làm việc cùng nhau. Thiem đi một mạch đến bán kết Indian Wells mà không thua set nào. Sau đó, anh lần lượt hạ Milos Raonic và Federer. Ít ai ngờ danh hiệu Master đầu tiên của Thiem lại đến trên sân cứng, sau hai lần thua ở chung kết trên sân đất nện. Giờ đây người hâm mộ không cần chờ tới mùa hè - thời điểm diễn ra ba Master và một Grand Slam đất nện - để trở thành tâm điểm.

Năm 2018, Thiem đấu và thắng nhiều trận nhất ở ATP. Thời gian tập luyện của tay vợt người Áo có lẽ cũng không thua ai. Nhắc đến Thiem, Federer từng nói: "Thiem khá tương đồng với Nadal, tức là thuộc nhóm tay vợt có chế độ tập khắc nghiệt. Tôi ngưỡng mộ họ vì tôi không bao giờ làm được như thế".

Đáp lại sự kính nể của làng banh nỉ, Thiem chỉ khiêm tốn đáp: "Tôi là mẫu tay vợt cần tập thật nhiều, nếu không sẽ không chơi tốt". 

Và nỗ lực của "người sắt" đang dần được đền đáp.

Xuân Bình

Bình luận

Online Support
Newsletter

!