Chọn khu vực
Miền Bắc

0

Thêm vào giỏ hàng thành công

Xem giỏ hàng và thanh toán
Hotline Đặt hàng: hotline_dathang
Hotline CSKH: hotline_cskh

Djokovic: Khi 'quái vật' trở lại

Update : 21:06 - 14/09/2018

Từ chỗ bị xem là hết thời, tay vợt Serbia trở lại ngoạn mục với ba danh hiệu lớn trong hai tháng gần nhất.

Đánh bại Juan Martin Del Potro sau ba set tại chung kết Mỹ Mở rộng, Novak Djokovic giành Grand Slam thứ hai liên tiếp và là thứ 14 trong sự nghiệp. Sự trở lại ấn tượng càng được tô điểm bởi chức vô địch Cincinnati tháng trước, danh hiệu giúp anh trở thành tay vợt đầu tiên hoàn tất bộ sưu tập chín Masters 1000 khác nhau. Và vì thế, thế giới quần vợt lại dấy lên một câu hỏi tưởng như đã cũ, rằng liệu Djokovic có thể bắt kịp Nadal và Federer về số chức vô địch Grand Slam – thước đo quan trọng cho sự vĩ đại của một tay vợt.

 

 

Câu hỏi đó từng được đặt ra cách đây hai năm, sau khi Nole giành Roland Garros 2016 và hoàn tất trọn bộ sưu tập bốn Grand Slam khác nhau. Khi đó, tay vợt Serbia có 12 Grand Slam, kém Nadal và Federer lần lượt hai và năm chức vô địch.

 

Đó là lúc Djokovic được ví như một con quái vật, có khả năng càn quét tất cả vật cản trên đường đến thành công. Anh là người duy nhất vô địch liên tiếp bốn Grand Slam, là đương kim vô địch của Wimbledon, Mỹ Mở rộng, Australia Mở rộng và Roland Garros.

 

Nhưng đột ngột, Nole rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu. Sau khi đăng quang tại Roland Garros – giải đấu từng "trốn tránh" Nole hết năm này qua năm khác, Djokovic dường như không còn chiến đấu nữa. “Tôi thậm chí chẳng thể tập trung vào những điểm số. Động lực thi đấu gần như không còn”, anh nhớ lại. Tay vợt sinh năm 1987 sau đó gắng gượng thi đấu tiếp bất chấp tâm trạng trống rỗng, trước khi dừng lại bởi chấn thương khuỷu tay và ngồi ngoài nửa cuối mùa giải 2017.

 

​"Nole" có gần hai năm dài sa sút khó hiểu.

 

Đó là trải nghiệm mất phương hướng và đáng sợ, bởi Nole không có cách nào để biết bản thân liệu có thể quay trở lại đỉnh cao vô tiền khoáng hậu mà anh tạo dựng trước đó hơn một năm, hoặc chí ít là thi đấu và cạnh tranh trở lại với những đối thủ lớn.

 

Người hâm mộ cũng không thể trả lời câu hỏi đó, cho đến khi Djokovic kết thúc đà xuống dốc bằng việc đánh bại Nadal sau năm set và năm giờ đồng hồ tại bán kết Wimbledon năm nay. Khán giả thấy lại được ở Nole sự hủy diệt như cái thời anh cuốn phăng tất cả. Nhưng có nhiều điều đã thay đổi trong hai năm qua.

 

Những điều dễ nhận thấy nhất, là anh dùng loại vợt dài hơn và nhẹ hơn, thay đổi nhà tài trợ trang phục, từ Uniqlo và Adidas sang Lacoste và Asics. Nhưng sự khác biệt lớn nhất nằm chính bên trong con người Nole. 

 

“Tôi đã trở thành một con người khác”, anh trải lòng. “Tôi là cha của hai đứa nhóc. Tôi vẫn chơi tennis, và hạnh phúc khi được cạnh tranh trở lại ở mức độ cao nhất, bởi đó luôn là niềm đam mê. Nhưng mối quan tâm lớn nhất đã được chuyển hướng. Tôi muốn khám phá những khả năng khác của bản thân, không chỉ trên khía cạnh một tay vợt, mà còn là một con người”.

 

“Vấn đề không đơn giản là chiến thắng một trận đấu hay một giải đấu”, Djokovic nhấn mạnh. “Bạn không thể mang theo những danh hiệu xuống nấm mồ”.

 

Trước khi giác ngộ ra điều đó, Nole trải qua đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố trong môn thể thao mà anh đam mê nhất. Từ sự bất lực đến cùng cực với phát biểu rằng anh không may mắn khi sinh cùng thời với Nadal và Federer, đến đỉnh cao chói lọi chưa từng thấy trong lịch sử quần vợt, rồi chìm nghỉm xuống vực sâu khi đang là tâm điểm, tất cả đều đã được Djokovic trải nghiệm.

 

Sự sa sút của anh trong giai đoạn nửa sau 2016 đến nửa đầu 2018 khiến nhiều người kinh ngạc, không chỉ bởi mức độ nghiêm trọng của nó mà còn vì mọi thứ diễn ra quá nhanh. Từ tháng 7/2014 – khi anh giành chức vô địch Wimbledon thứ hai trong sự nghiệp, đến tháng 6/2016 – thời điểm anh hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam với danh hiệu tại Paris, Djokovic thắng 158 trận và chỉ thua 13 trận, đạt tỷ lệ thắng 92,3%. Đó là tỷ lệ không tưởng nếu xét về phong độ của một tay vợt trong hai năm.

 

Nếu tennis có hệ số Elo như cờ vua, đỉnh Elo của Djokovic là 2460 (năm 2016), của Federer là 2406 (năm 2007), và của Nadal là 2388 (năm 2009). Ảnh: Guardian.

 

Trong thời gian đó, anh giành sáu Grand Slam, trong đó có bốn chức vô địch liên tiếp để sinh ra khái niệm “Nole Slam”. Đó là điều chưa ai làm được trong kỷ nguyên Mở. Những đồng nghiệp và các huyền thoại trong quá khứ đều phải đồng tình rằng, Nole khi đó đã tạo nên chuẩn mực cao nhất trong lịch sử quần vợt. Nadal từng đánh giá Djokovic phiên bản 2015 và đầu 2016 là mạnh nhất anh từng đối đầu, là một đối thủ đến từ hành tinh khác và không thể bị vượt qua. Còn tờ Economist, trong thống kê mới nhất, chỉ ra rằng nếu tennis cũng có hệ số Elo như cờ vua, thì đỉnh cao nhất mà môn thể thao này từng chứng kiến thuộc về Djokovic với hệ số 2.460 vào tháng 4/2016.

 

Với một sự thống trị đến toàn diện như vậy, sự suy yếu chỉ có thể đến từ chính bên trong “con quái vật”. Những chiến thắng lớn và những danh hiệu đột nhiên không xuất hiện nữa. Một tháng sau khi hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam, Djokovic tạo nên bất ngờ lớn nhất tại Wimbledon bằng việc để thua Sam Querrey ở vòng 3. 

 

Năm tuần sau, anh bị Del Potro loại ngay vòng một Olympic Rio 2016, trận đấu mà Nole rời sân trong những giọt nước mắt. Với một con người yêu Tổ quốc và còn thiếu chỉ HC vàng Olympic trong bộ sưu tập danh hiệu, đó là một trong những trận đấu anh có động lực lớn nhất sau khi chạm đến đỉnh cao Grand Slam.

Những giọt nước mắt của Djokovic khi lỡ hẹn với tấm HC vàng Olympic Rio 2016 cho Serbia. Ảnh: Telegraph.

 

“Tôi đã thực sự tổn thương sau thất bại tại Thế vận hội. Đó có lẽ là nơi tôi đặt trọn những động lực cuối cùng của bản thân”, Djokovic vẫn nhớ như in cảm giác của trận thua đó.

 

Thất bại đó đã đánh gục mọi ý chí của tay vợt Serbia. Số một thế giới thời điểm đó tiếp tục là ứng cử viên lớn nhất tại các giải đấu, nhưng tinh thần chiến đấu thì không còn. Djokovic không còn biết bản thân sẽ phấn đấu vì cái gì. Ở trận chung kết Mỹ Mở rộng cùng năm, anh thua Wawrinka sau bốn set, trong trận đấu mà người ta thấy được sự cam chịu thất bại của Nole khi trận đấu còn chưa kết thúc. 

 

Thay vì nỗ lực trở lại với trận đấu như những gì từng làm với Federer và Nadal trong quá khứ, anh chịu đựng tình cảnh đó bằng cách tự vấn bản thân những câu hỏi nặng nề. “Tôi lại phải trải qua cảm giác này nữa sao”, đó là suy nghĩ bao trùm Djokovic khi bị dẫn trước trong trận chung kết đó, như chính anh chia sẻ.

 

Đó cũng là dấu hiệu cho những điều tồi tệ xảy đến tiếp theo. Trong 23 tháng tiếp theo, anh chỉ vô địch hai giải ATP, và không thể đi quá tứ kết Grand Slam.

 

“Tôi khẳng định rằng tôi đã tập luyện chăm chỉ hơn bình thường”, cựu số một thế giới thuật lại. “Nhưng đó là một sai lầm. Có một trận chiến bên trong tôi. Tôi đã quen với việc tiến lên và vượt qua những khó khăn. Là một VĐV chuyên nghiệp, bạn cần cá tính đó, khả năng đó. Nhưng đồng thời, có điều gì đó đang diễn ra mà tôi không thể giải quyết đúng cách”.

 

Chiến thắng ở Roland Garros 2016 làm "Nole" ngủ quên trên đỉnh vinh quang.

 

Sự xuống dốc của Nole là không thể kìm hãm. Chính màn chinh phục Roland Garros của Djokovic năm đó đã đưa anh vào vòng xoáy vực thẳm. Chiến thắng tại Paris không chỉ lấp đầy ước mơ sự nghiệp của ngôi sao Serbia, mà còn đáp ứng mong mỏi lớn nhất của cố HLV thời thơ ấu của anh - Jelena Gencic - trước khi qua đời. 

 

Bà Gencic là người đã đưa Djokovic đến với quần vợt, và danh hiệu tại Paris đồng nghĩa với việc Nole đã hoàn thành được sứ mệnh. Cảm giác được mô tả lại giống như “tôi vừa làm được điều mà tôi theo đuổi suốt cuộc đời”. Djokovic, sau đó, cảm thấy nhẹ nhõm và kiệt sức.

 

Khi những màn trình diễn trên sân gây thất vọng, cuộc sống bên ngoài sân đấu của Nole bắt đầu bị giám sát. Những tin đồn về rạn nứt trong hôn nhân càng được dấy lên, khi anh thổ lộ sau trận thua sốc Querrey tại Wimbledon, rằng bản thân đang gặp “vấn đề cá nhân”. Truyền thông bắt đầu nghĩ về một Tiger Woods phiên bản tennis.

 

Vấn đề cũng được cho là đến từ Pepe Imaz, cố vấn tâm linh của Djokovic. Ông là người chữa khỏi căn bệnh trầm cảm cho cậu em trai Marko của Novak, và được Nole tin tưởng tuyệt đối. Nhưng ảnh hưởng quá mức và có phần cực đoan của Imaz với Djokovic đã đẩy các HLV lần lượt rời xa khỏi anh, bao gồm Boris Becker – người giúp anh giành sáu Grand Slam, Marian Vajda – HLV lâu năm của Djokovic và cả Andre Agassi.

 

HLV Vajda giúp Djokovic dần tìm lại thăng bằng. 

 

Marian Vajda là người đồng hành cùng Djokovic từ thời niên thiếu đến những vinh quang đầu tiên, và cũng là người giúp anh trở lại đỉnh cao như hiện tại. Khi nhận cuộc gọi “cầu cứu” từ ngôi sao Serbia vài tháng trước, ông mất bốn ngày suy nghĩ và quyết định quay lại, vì muốn được thấy Djokovic thành công như đã từng. Điều kiện đầu tiên ông đặt ra là đuổi cổ Pepe Imaz - người luôn tin rằng sức mạnh tâm linh sẽ làm nên những chiến thắng, chứ không phải tập luyện và dinh dưỡng.

 

Nhưng một mình Imaz không đủ để khiến Djokovic xuống dốc không phanh trong giai đoạn chưa đoàn tụ với Vajda. Chấn thương chính là vấn đề lớn nhất. Sự nghiệp của Nole lần đầu tiên bị ngắt quãng tới nửa năm, trong giai đoạn cuối mùa giải 2017. Khi trở lại thi đấu vào đầu năm 2018, anh thua đàn em Chung Hyeon tại Australia Mở rộng. Djokovic quyết định phẫu thuật chấn thương khuỷu tay.

 

Nhưng ca tiểu phẫu không thể giải thoát cho anh khỏi những thất bại từ vòng ngoài. Anh thua tay vợt số 109 thế giới Taro Daniel ngay trong trận đầu tiên thi đấu trở lại, tại Indian Wells. Djokovic trông hao gầy, thiếu sức sống và cạn kiệt niềm tin. Đến người thắng anh cũng cảm thấy buồn thay cho Nole. “Djokovic tôi gặp không giống như Djokovic tôi vẫn thấy trên TV, không bao giờ bỏ cuộc trước những đường bóng. Hôm nay, anh ấy đã bỏ rất nhiều”, Daniel chia sẻ.

Djokovic trông chán chường và mệt mỏi sau những thất bại liên tiếp cách đây vài tháng. Ảnh: Telegraph.

 

Sau trận thua đó là một thất bại nữa tại vòng một Miami, nơi Djokovic từng sáu lần đăng quang. “Tôi thực sự cảm thấy bất lực”, anh tự thú trước các fan, như thể muốn nói với họ rằng đừng trông chờ bất cứ điều gì ở Djokovic này nữa. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy tệ thế này trong sự nghiệp”.

 

Câu kết là một sự lặp lại nguyên vẹn những gì tay vợt Serbia đã nói gần tám năm trước, sau khi anh thua Jurgen Melzer tại Roland Garros 2010 dù dẫn 6-3, 6-2 và 2-0. Đó là trận thua duy nhất của Nole sau khi dẫn hai set. Một năm sau đó, năm 2011, Djokovic đột nhiên giành ba Grand Slam và năm Masters 1000, thắng tới 92,1% số trận trong mùa giải.

 

Như một sự lặp lại khó lý giải, không lâu sau khi Nole phát biểu rằng anh chưa bao giờ cảm thấy tệ đến thế, sự trì trệ trong anh cũng biến mất. Bỏ lại hình ảnh mệt mỏi và rệu rã, anh thắng tới 34 trong 38 trận gần nhất, giành thêm hai Grand Slam chỉ trong hai tháng. Djokovic cũng chinh phục nốt Cincinnati Mở rộng trong lần thứ sáu dự trận chung kết. Anh thắng Roger Federer – người mà anh cho là vĩ đại nhất lịch sử quần vợt, để đưa cái tên Djokovic đi vào lịch sử với tư cách người đầu tiên sưu tập trọn bộ Masters 1000.

 

Bộ sưu tập của Djokovic ở các Grand Slam, Masters 1000 và ATP Finals. Đồ họa: Việt Chung - Nhân Đạt.

 

Djokovic trở lại đỉnh cao dễ dàng chẳng kém gì cách anh đánh mất mình hai năm trước. Chỉ riêng điều đó đủ khiến Nole xứng đáng với hai chữ thiên tài, chứ chưa nói đến một loạt những kỷ lục mà anh nắm giữ. Có phép màu hay vị thuốc thần kỳ nào không? Đơn giản là Djokovic đã vượt qua chính những thứ tưởng như kết liễu sớm sự nghiệp thi đấu của anh.

 

Đầu tiên, chấn thương khuỷu tay không còn đeo đẳng Nole. “Khi mới trở lại, anh ấy chưa thực sự sẵn sàng. Cú giao bóng chưa hiệu quả, và anh ấy không đánh được điểm rơi như ý muốn. Nhưng khi chấn thương qua đi, Djokovic đã thể hiện được những phẩm chất tuyệt vời và giành những chức vô địch xứng đáng”, Federer lý giải cho sự trở lại của người đồng nghiệp.

 

Djokovic thừa nhận không có sự thay đổi nào rõ rệt về cường độ tập luyện hay chiến thuật, dù việc đoàn tụ với HLV Vajda đã thay đổi thành tích thi đấu của anh. “Tôi được giải phóng về mặt tinh thần. Sau đó, câu chuyện chỉ là thi đấu và kiên nhẫn với bản thân”, tay vợt sở hữu 14 Grand Slam nói.

 

Điều gì đã giải phóng Djokovic? Câu trả lời là gia đình. “Khi tôi không thi đấu tốt, chỉ một phần trong tôi không thích điều đó. Nhưng tôi vẫn rất hạnh phúc, vì có nhiều thứ trong cuộc đời khiến tôi thực sự mãn nguyện”, tay vợt Serbia nói.

 

Djokovic bắt đầu nghĩ về sự liên kết giữa mái ấm nhỏ và sân đấu. Cậu nhóc Stefan và bé gái Tara lớn lên qua từng ngày, và Djokovic tìm thấy động lực trở lại. Anh tưởng tượng về một ngày được giành chức vô địch Grand Slam trong sự chứng kiến của những đứa nhóc. Ngày đó đã đến tại Wimbledon. Hai đứa trẻ còn quá bé để được xem tận mắt các trận đấu, nhưng Stefan được cho phép vào sân đứng cạnh mẹ, chứng kiến khoảnh khắc đăng quang của cha. 

 

Lần đầu tiên trong đời, Djokovic được nghe thấy tiếng hô “Daddy, daddy” khi đang cầm Cúp. Đó chắc chắn là giây phút hạnh phúc nhất trên sân đấu, thôi thúc anh chạm đến những thành công kế tiếp. “Có những điều chúng ta có thể học được từ trẻ em, chúng thật đáng kinh ngạc”, anh nói. “Tôi và vợ vẫn thường gọi hai đứa nhóc là những bậc thầy nhỏ. Bởi chúng luôn sống hết mình ở hiện tại, lớn lên và phát triển bất chấp điều gì xảy ra”.

 

Sau tất cả trải nghiệm, Djokovic đã mang tư tưởng bất khuất đó quay trở lại sân đấu. 

 

“Quái vật” lại một lần nữa gầm vang.

 

Nhân Đạt - VNExpress

Bình luận

Online Support
Newsletter

!