Chọn khu vực
Miền Bắc
Hotline Đặt hàng: 0935.0303.68
Hotline CSKH: 0934.8989.38

Sport House

Căng dây cước ghép (hybrid) trên vợt tennis (Phần 1)

Cập nhật : 10:01 - 16/12/2015

Sau khi Tennis House đăng bài giới thiệu về loại dây cước mềm cao cấp Origin (lõi sợi polyamyde) của Babolat, nhiều Quý Khách Hàng và người chơi tennis đã vào facebook fanpage của Tennis House để thảo luận về chủ đề: Khi căng ghép dây cước trên vợt tennis (hybrid), dây mềm nên căng làm dây dọc hay dây ngang?

 

Đây là một chủ đề khá thú vị bởi việc chọn loại dây cước tennis dọc và ngang khi căng ghép rõ ràng là sẽ có tác động đến độ bền của dây, cảm giác chơi bóng và cả hiệu quả trận đấu của bạn. Tennis House đã tham khảo nhiều bài viết khác nhau về chủ đề trên và xin giới thiệu đến Anh/Chị/Em yêu tennis một bài trao đổi khá thú vị và rất sát với thắc mắc của mọi người về chủ đề Căng dây cước ghép (hybrid) trên vợt tennis.

 

(Lưu ý: cách liệt kê dây căng vợt tennis trong bài viết: dây dọc trước/dây ngang sau, VD: dây mềm/poly = dây dọc là dây mềm/dây ngang là dây poly).

 

Hỏi&Đáp: Dụng cụ tennis

 

Jon Levey là người phụ trách chuyên mục Dụng cụ tennis trên tạp trí lớn và uy tín trên thế giới Tennis.com, đồng thời chuyên trả lời các câu hỏi xung quanh chủ đề dụng cụ tennis tại trang Hỏi&Đáp của tạp chí này.

 

Dưới dây là câu hỏi của một độc giả - Larry T.

 

Dây cước ghép luôn là sự lựa chọn của tôi để căng vợt trong khoảng 10 năm gần đây. Tôi luôn sử dụng một sợi dây polyester (khu vực miền Nam của Việt Nam hay gọi là "dây kẽm") để căng dây dọc cùng với một sợi dây mềm lõi đa sợi (multifilament)  để căng dây ngang. Tôi thực sự ấn tượng với độ bền và khả năng xoáy lẫn điều bóng của dây polyester, cùng với đó dây mềm  giúp đánh êm tay hơn. Tôi thực sự nghĩ  đây là một cách căng dây cước khôn ngoan. Tuy vậy, gần đây theo tôi được biết thì rất nhiều những tay vợt chuyên nghiệp lại làm ngược lại - họ dùng dây mềm làm dây dọc và dây polyester làm dây ngang. Liệu đây có phải là cách làm đúng? Tôi e ngại rằng mình đã chọn nhầm cách căng dây trong suốt những năm qua và liệu tôi có nên thay đổi cách căng dây của mình? Xin Cảm ơn. – Lary T.

 

Jon Levey trả lời:

 

Larry,

 

Tôi đã từng đặt câu hỏi tương tự cho một vài chuyên gia căng dây cước mà tôi quen biết, rất nhiều người trong số họ hiện đang làm việc thường xuyên cho các giải đấu tennis chuyên nghiệp. Và bạn biết câu trả lời mà tôi nhận được từ họ là gì không?

 

Chỉ là những cái nhún vai.

 

Khó ai có thể đưa ra một lời giải thích rõ ràng tại sao các tay vợt sử dụng dây ghép lại dùng dây mềm ( thường là dây lõi chất liệu tự nhiên – ruột bò/cừu…) tại vị trí  dây dọc. Nếu nhìn từ bề ngoài, cách làm trên dường như phản tác dụng bởi nó không tận dụng được khả năng tạo xoáy của sợi dây polyester (gọi vắn tắt là "poly"), người đánh sẽ không tìm thấy hiệu ứng "cắn bóng" như khi sử dụng dây poly ở vị trí là dây dọc. Thêm nữa, độ bền và khả năng điều bóng, những thế mạnh của sợi dây poly sẽ bị giảm đi khi không được căng tại vị trí chiều dọc mặt vợt. Phần đông ý kiến cho rằng, chắc hẳn phải có một thứ gì đó trong cách thức hoạt động của cách căng ghép dây mềm/poly  giúp chúng có thể tạo ra hiệu quả và ưu thế nhất định khi được ghép chung  so với cách ghép poly/dây mềm.  

 

Có thể Roger Federer không phải là người sáng tạo ra cách ghép cước này, nhưng chắc chắn anh là người giúp nó trở nên phổ biến. Từ sự độc đáo trong cách căng cước của Federer, nó đã trở thành phương pháp ưa thích của rất nhiều tay vợt khác. Tôi đã có dịp chứng kiến điều này khi được ghé thăm phòng căng dây cước tennis tại giải US Open vừa qua, đa số những tay vợt sử dụng cước ghép đều sử dụng sợi dây ruột chất liệu tự nhiên tại vị trí dây dọc. Những vận động viên này kiếm sống và thành công nhờ vào dụng cụ của họ, vì vậy chắc hẳn họ sẽ không bao giờ sử dụng  những công thức không đem lại hiệu quả tốt nhất cho cá nhân mình.

 

Tuy vậy xin lưu ý rằng đối với các tay vợt chuyên nghiệp, họ không quá chú trọng tới việc dây cước có khả năng tạo xoáy và bền bỉ tới cỡ nào như những người chơi nghiệp dư/phong trào. Chắc chắn, những vận động viên này vẫn muốn đánh bóng với một lực xoáy rất nặng nhưng họ không cần trông đợi quá nhiều vào sự trợ giúp của dây cước để tạo xoáy mà tốc độ vung vợt và kĩ thuật đánh của họ mới là những điều kiện tiên quyết. Họ cũng tìm kiếm một sự cân bằng tối ưu giữa tốc độ và độ xoáy –  quá nhiều xoáy có thể làm ảnh hưởng đến tốc độ cũng như độ sâu và bạt của đường bóng. Rõ ràng những tay vợt chuyên nghiệp đã nhận thấy những sợi dây ngang có chất liệu cứng hơn sẽ đem lại một sự kết hợp tốt nhất và vẫn đảm bảo được cảm giác chạm bóng và khả năng điều bóng.

 

Có thể nói rằng  tuổi thọ của sợi dây cước luôn là mối quan tâm chính của người chơi tennis thường xuyên nhưng đối với những vận động viên chuyên nghiệp, đây chỉ là chuyện nhỏ. Thậm chí nếu họ không dùng một cây vợt mới  sau mỗi lần đổi giao bóng, thì chỉ sau một vài set đấu hoặc cùng lắm là sau trận đấu, họ sẽ đổi sang một cây vợt khác. Vì vậy dùng một sợi dây cước mềm hơn và nhanh đứt tại vị trí dây dọc chẳng mang lại quá nhiều phiền toái, chúng sẽ bị thay thế rất nhanh trước khi kịp kết thúc vòng đời của mình. Có lẽ khán giả Việt Nam trên Ti Vi được chứng kiến những tay vợt tức giận đập gãy vợt còn nhiều hơn việc họ làm đứt dây dọc của vợt. 

Vậy liệu rằng đây có phải là cách căng dây phù hợp cho bạn?

 

Điều này thực sự phụ thuộc vào trận đấu của bạn và ở một chừng mực nào đó, phụ thuộc vào cây vợt mà bạn đang dùng. Trước đây, khi tôi căng cước ghép giữa dây ruột chất liệu tự nhiên/dâypoly đa lõi, tôi nhận thấy lực đánh và độ êm được tăng lên một chút, nhưng độ xoáy và khả năng điều bóng lại cũng hơi giảm đi. Tôi cũng thường xuyên phải điều chỉnh lại dây cước. Tuy vậy, nó không thành vấn đề nếu tôi chơi với một cây vợt có mật độ dây 18x20, phiền phức hơn một chút với khung 16x19 và bực mình rõ rệt khi chơi với khung vợt có mật độ dây 16x18. Không ngạc nhiên khi cho rằng có một mối quan hệ nghịch đảo  giữa tuổi thọ dây và mật độ dây cước của bề mặt vợt  –  mật độ càng thưa thì dây dọc sẽ thường xuyên cắn bóng và bị xô dây. Nếu bạn là một tay vợt rất hay đánh đứt dây cước hoặc sử dụng một khung vợt tối ưu cho độ xoáy thì độ bền của dây cước có thể là một vấn đề lớn.

 

Nếu tuổi thọ của dây không là mối bận tâm thì cách căng dây ghép giúp đánh êm tay chắc chắn đáng để thử. Với những người chơi chỉ căng dây poly, về lâu dài sẽ có thể gặp vấn đề về liên quan đến chấn thương tay nhưng vì bạn đã và đang căng dây ghép nên rủi ro này sẽ được giảm bớt. Căng dây ghép vẫn đảm bảo cảm giác ma xát với bóng và tạo xoáy và mặt vợt mềm mại hơn, đàn hồi với bóng tốt hơn có thể giúp ích cho bạn khi đánh bóng. Ngay cả khi bạn đang dùng một cây vợt khung khá cứng, việc chọn dây cước mềm cũng có thể làm giảm thiểu độ cứng khung vợt.  Rõ ràng là cảm nhận của bạn khi đánh bóng phụ thuộc vào việc bạn chọn dây cước – nếu bạn có khả năng tài chính, hãy thử  căng dây dọc bằng dây lõi tự nhiên hoặc dây đa lõi cao cấp. Thành thực mà nói, khi căng ghép dây poly/dây mềm đa lõi để giúp tăng độ bền dây cước, cá nhân tôi không nhận thấy sự khác biệt rõ ràng về cảm giác bóng và khả năng đánh bóng. Tuy nhiên, nếu công thức căng ghép dây mềm/dây poly mang lại hiệu quả cho Roger Fereder thì có lẽ công thức này cũng sẽ có hiệu quả đối với bạn.

 

*Lưu ý: Đây là bài viết và sưu tầm của Tennis House, việc sao chép, copy hoặc sử dụng lại dưới bất kỳ hình thức nào phải có sự cho phép của Tennis House dưới dạng văn bản. Xin cảm ơn.

 

Tennis House – 16.12.2015

Bình luận

Hỗ trợ trực tuyến
Đăng ký nhận tin khuyến mại

Đừng bỏ lỡ các chương trình giảm giá và các sản phẩm mới hấp dẫn!